Năm 2002, nội dung về công tác này tiếp tục được Đảng bổ sung tại Nghị quyết 11 ngày 25-11-2002 của Bộ Chính trị “Về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý”, Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”…
Năm 2017, Bộ Chính trị có Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Thực hiện Quy định này, công tác luân chuyển cán bộ đi vào nền nếp, có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực và đạt kết quả tốt; chất lượng cán bộ luân chuyển được nâng lên một bước, phần đông cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín, chấp hành sự phân công, bố trí công tác của cấp có thẩm quyền. Việc luân chuyển cán bộ được cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, công khai, công tâm, minh bạch.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn hạn chế như chưa tạo được sự chủ động trong việc đưa cán bộ đi luân chuyển do phải chờ các địa phương khuyết chức danh; việc xử lý hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ và gắn với chức danh quy hoạch còn bất cập, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, một số cán bộ luân chuyển chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, chưa nắm chắc các quy định, quy chế, nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc. Có không ít cán bộ còn nghĩ đi luân chuyển để được đề bạt lên chức vụ cao hơn, vì vậy có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, thiếu quyết liệt, giữ mình “chờ ngày về”.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 65-QĐ/TW thay thế các quy định trước về luân chuyển cán bộ, nhằm khắc phục các hạn chế nêu trên. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Quy định số 65, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh “Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm thực hiện nghiêm là chưa đủ, quan trọng là phải nâng cao chất lượng công tác luân chuyển. Thường xuyên giám sát cán bộ luân chuyển, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ. Dứt khoát phải nâng cao nhận thức của cán bộ luân chuyển. Cán bộ luân chuyển không nên nghĩ cứ đi luân chuyển về là sẽ giữ vị trí cao hơn”.
Nhân dân kỳ vọng Quy định lần này sẽ bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung khác trong công tác cán bộ. Nhân dân cũng mong muốn công tác luân chuyển cán bộ sẽ khắc phục được những hạn chế lâu nay, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; không để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ.
Gửi phản hồi
In bài viết