“Chìa khóa” phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Những ngày này, nhiều xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025. Sẽ có thêm những cây cầu kiên cố bắc qua suối, thêm nhiều con đường bê tông liên thôn, liên xã và đường nội đồng được làm mới, nâng cấp và sửa chữa. Đây là “chìa khóa”, động lực phát triển, nâng cao đời sống người dân.

Cán bộ xã Hùng Đức (Hàm Yên) cùng cán bộ, nhân dân thôn Thắng Bình giám sát giải phóng mặt bằng chuẩn bị thi công trình đường giao thông.

Trục đường thôn Thắng Bình, xã Hùng Đức (Hàm Yên) dài trên 1km nhưng có 3 máy xúc, 6 xe ô tô chở đất hoạt động hết công suất để khẩn trương bàn giao mặt bằng cho Dự án nâng cấp tuyến đường từ thôn Cây Thông đi thôn Cây Quéo, thôn Thắng Bình. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình gần 1,6 tỷ đồng. “Tuyến đường dài 1,2km, mở rộng mặt đường từ 3m lên 7m. Đường phải đi qua đất sản xuất, đất thổ cư hàng chục hộ dân. Tuy nhiên, nói đến việc hiến đất, hộ dân nào cũng vui vẻ, chẳng lăn tăn điều gì” – ông Lý Văn Kim, Bí thư Chi bộ thôn Thắng Bình chỉ tay về phía máy xúc đang cào đất, giải phóng mặt bằng nhấn mạnh như vậy.

Tuyến đường đi qua 2 thôn Cây Quéo, thôn Thắng Bình. Theo thống kê ban đầu, Lâm Trường Tân Phong bàn giao 1.000m2 đất; nhân dân thôn Thắng Bình hiến khoảng 2.500m2 đất. Ông Trần Quốc Hội, người dân Thắng Bình phấn khởi nói, hơn chục hộ dân vừa hiến đất, vừa góp thêm gần 30 triệu đồng để thuê máy mở rộng đường. Đường rộng sẽ tạo thuận lợi cho phát triển nhanh hơn.

Công trình cầu bắc qua sông Phó Đáy đi thôn Bum Kẹn và thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) sẽ bàn giao trong tháng 6-2023.

Sau hơn 2 tháng thi công, cuối tháng 3, tuyến đường giao thông Nà Hón, thôn Nà Lũng, xã Khâu Tinh (Na Hang) dài trên 400m được đưa vào sử dụng, hiện nay đang hoàn thành rãnh và lề đường. Cùng với đó, công trình đường nội đồng Khau Tinh nọi, Khau Tinh luông với chiều dài trên 400m đã hoàn thành mặt bằng, chuẩn bị thi công. 2 công trình có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Khâu Tinh hồ hởi bảo: Quá trình vận động đồng bào Mông hiến đất làm 2 tuyến đường không có khó khăn. Ngay sau khi UBND xã triển khai, nhiều hộ đồng bào Mông tự nguyện tháo dỡ công trình, đồng lòng hiến đất với tổng diện tích trên 2.500m2. Tiêu biểu như hộ gia đình chị Đào Thị Mị, Hoàng Văn Quản, Lương Văn Sình hiến trên 500m2 đất/hộ.

Đường giao thông Nà Hón, thôn Nà Lũng, xã Khâu Tinh (Na Hang) dài trên 400m được đưa vào sử dụng từ tháng 3-2023.

Các công trình giao thông đang tiển khai tại 2 xã Hùng Đức, Khâu Tinh thuộc Tiểu dự án 1 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Dự án 4. Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào hiến đất, làm đường đang diễn ra sôi nổi trên khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, giai đoạn 2022 – 2025, toàn tỉnh sẽ có 876 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng theo Tiểu dự án 1.

Riêng năm 2022, tỉnh có trên 260 đầu điểm công trình do UBND tỉnh và UBND các huyện quản lý. Trong đó, công trình giao thông là 179 công trình, chiếm trên 68%; còn lại là các công trình về thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, khu thể thao… Tính đến hết tháng 3-2023, đã có 128 đầu điểm công trình giao thông đã, đang thi công, một số công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Để phát huy dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, hiện nay UBND các xã tập trung phối hợp với Ban Phát triển thôn, Ban Giám sát cộng đồng thôn tích cực kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng công trình giao thông nhằm đảm bảo kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục