Phát triển lưới điện vùng khó khăn, động lực giúp người dân vươn lên

- Với quyết tâm đưa điện về những vùng khó phục vụ sự phát triển chung của tỉnh, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã phối hợp với các ngành vận dụng linh hoạt các nguồn lực để triển khai hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Nhờ có điện, kinh tế, đời sống người dân những vùng đất này đang ngày càng khởi sắc.

Từ khi có điện, người dân thôn Yên Lập 2, xã Yên Phú (Hàm Yên) đầu tư máy xay xát phục vụ đời sống.

Nhiều năm trở về trước, gia đình anh Đặng Văn Quý, thôn Yên Lập 2, xã Yên Phú (Hàm Yên) cũng như hơn 200 hộ dân đồng bào dân tộc Dao áo dài trong thôn vẫn mong mỏi từng ngày được có điện. Vì vậy, trong những ngày đầu năm 2022, khi biết tin Điện lực Hàm Yên chính thức đóng điện, đưa lưới điện quốc gia về thôn, gia đình anh Quý và bà con nơi đây rất phấn khởi, cả người lớn, trẻ nhỏ tập trung tại các địa điểm lắp đặt đồng hồ, chờ giây phút được đóng điện. Có điện, bà con trong thôn tranh thủ đi mua sắm đồ điện tử như nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh, mô tơ điện máy xát lúa... Dòng điện đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

Đồng chí Bàn Văn Sỹ, Bí thư Chi bộ thôn Yên Lập 2, xã Yên Phú không giấu được niềm vui, chia sẻ, từ khi có điện, người dân có điều kiện được tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông nghe nhìn, hỗ trợ nhiều cho địa phương trong công tác tuyên truyền, nhất là trong thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư sản xuất, phát triển nông thôn mới. Có điện cũng giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nếu như trước đây việc chế biến nông sản hoàn toàn thủ công thì nay bà con đã biết ứng dụng máy móc, nhiều hộ gia đình còn mở hàng ăn sáng, hàn xì máy móc nông nghiệp.

Công nhân Điện lực Na Hang kiểm tra, sửa chữa trạm biến áp xã Hồng Thái (Na Hang).

Ông Vương Ngọc Uy, Giám đốc Điện lực Hàm Yên cho biết, công trình cấp điện cho thôn Yên Lập 1, Yên Lập 2, Yên Lập 3, xã Yên Phú có chiều dài đường dây trung thế 7 km, hạ thế 12,21 km thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Tuyên Quang cho các thôn, bản vùng cao chưa có điện được thực hiện với phương châm "Nhà nước và nhân dân" cùng làm. Theo đó, Nhà nước bố trí kinh phí đầu tư xây dựng và đền bù cho phần đường dây trung thế; nhân dân dành một phần đất và tự giải phóng mặt bằng đường dây hạ thế. Từ việc triển khai dự án này, đến nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm 98%, qua đó đã góp phần vào việc hoàn thành các mục xây dựng huyện nông thôn mới trong thời gian tới.

Những ngày này, hơn 120 hộ dân của 2 thôn Khuôn Thẳm, xã Tân Mỹ và thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) đang mong chờ giây phút đóng điện sau nhiều năm. Anh Lý Tờ Lùng, thôn Khuôn Thẳm, xã Tân Mỹ vui mừng cho biết, 100% người dân trong thôn đều là dân tộc Mông sinh sống, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện nay, đường điện lưới quốc gia đang được công nhân ngành điện đẩy nhanh tiến độ kéo về tận thôn, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là hoàn thành. Khi có điện việc đầu tiên là anh sẽ mua ti vi, tủ lạnh, quạt và máy bơm nước vệ sinh chuồng trại chăn nuôi…

Công nhân Điện lực Tuyên Quang kiểm tra đường dây cung cấp điện cho người dân trên địa bàn xã Thượng Lâm (Lâm Bình).

Theo báo cáo của Sở Công Thương, thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2021 đến nay, Sở đã hoàn thành xây dựng và cấp điện cho 19 thôn, bản, trong đó có 13 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia thuộc các xã: Xuân Quang, Trung Hà (Chiêm Hóa); Kiến Thiết, Tiến Bộ, Đạo Viện, Hùng Lợi (Yên Sơn); Yên Phú, Yên Thuận (Hàm Yên); Sơn Phú (Na Hang) với tổng số trên 1.400 hộ dân được cấp điện, có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lên đến 99,7%.

Những nỗ lực của Công ty Điện lực Tuyên Quang và các cấp, các ngành trong việc đầu tư, cải tạo hệ thống điện đã tạo thêm động lực cho các địa phương bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục