Giám sát môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng

- Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng đang được các cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát. Để phát triển sản xuất buộc các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này phải có những giải pháp giảm thải, hạn chế khói, bụi ra môi trường.

Doanh nghiệp phải chủ động

Những năm qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, khai thác được tiềm năng đất đai, khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 82 điểm, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Trong đó 36 cơ sở khai thác đá; 37 cơ sở sản xuất cát, sỏi; 7 cơ sở, nhà máy sản xuất gạch; 2 nhà máy sản xuất xi măng. Theo đó, đã có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện cải tạo máy móc, đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường thay thế các công nghệ lạc hậu.

Nhà máy Gạch tuynel công nghệ cao, công suất 35 vạn sản phẩm/ngày, quy mô nhà máy 5 ha, công nghệ hiện đại nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư trên 130 tỷ đồng của Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang. Nhà máy đi vào sản xuất từ tháng 10-2022. Với dây chuyền khép kín, công nghệ sản xuất tuần hoàn, tận thu các loại nhiên, nguyên vật liệu tại các mỏ, nhà máy sản xuất khoáng sản và nguyên liệu đất đỏ, đất đồi, phù hợp với quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2050 của tỉnh.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tại cơ sở nghiền đá xây dựng của Công ty TNHH Hiệp Phú.

Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang cho biết: Ngay từ khâu lựa chọn công nghệ, lãnh đạo công ty đã chú trọng đến hệ thống xử lý môi trường theo hướng tuần hoàn để tận thu nhiệt và khí thải cho sản xuất và đảm bảo môi trường. Hệ thống lò nung tuần hoàn tự động dài 165m, rộng 11m với quy trình hút ẩm, sấy, nung và làm nguội khép kín hoạt động liên tục không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và không gây tiếng ồn.    

Khu vực khai thác đá Đội Cấn (TP Tuyên Quang) của Công ty TNHH Hiệp Phú đang có 2 xưởng nghiền đá. Để giảm thiểu bụi phát tán, đơn vị đã đầu tư hệ thống cấp nước dập bụi từng đầu cấp nguyên liệu đến đầu ra sản phẩm. Toàn bộ quá trình sản xuất dùng điện. Xe chở nguyên liệu, mua hàng đều được phun rửa trước khi ra khỏi điểm mỏ, đường vào mỏ thường xuyên được đơn vị vệ sinh và tưới nước 2 lần/ngày.

Ông Dương Xuân Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú cho biết, công ty luôn chủ động trong việc xử lý bụi do sản xuất. Hiện công ty đang phối hợp với 2 đơn vị sản xuất trong khu vực làm đường bê tông vào mỏ khoảng gần 1km để hạn chế vương bụi từ khu vực sản xuất ra khu dân cư.

Kiểm tra, giám sát thường xuyên

Đối với doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng tùy vào quy mô sản xuất sẽ phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND huyện, tỉnh phê duyệt, thẩm định.

Ông Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở nâng cao trách nhiệm trong tham mưu thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án, nhằm ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Công tác thẩm định được thực hiện kỹ lưỡng về nội dung, kiên quyết không phê duyệt các dự án phát sinh nước thải lớn nhưng không có hồ sơ hệ thống xử lý đảm bảo. Sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, các đơn vị đã thực hiện đầu tư hệ thống xử lý môi trường theo cam kết.  

Công ty TNHH vật liệu xây dựng Huy Linh, xã Tân Thanh đầu tư thay thế máy nghiền mới,
hệ thống dập bụi để giảm phát tán bụi ra môi trường.

Công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về môi trường theo đúng quy định. Năm 2022, tổ chức kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 đơn vị có hành vi vi phạm với tổng số tiền là 210 triệu đồng. Qua thanh, kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các đơn vị khắc phục các tồn tại khuyết điểm về lĩnh vực môi trường trong quá trình hoạt động.  

Năm 2022, người dân thôn Vĩnh Sơn, xã Tân Thanh (Sơn Dương) phản ánh việc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Huy Linh khai thác, nghiền đá xây dựng làm phát tán bụi ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân. Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và yêu cầu khắc phục. Ông Mai Văn Thắng, phụ trách sản xuất mỏ đá Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Huy Linh cho biết: Công ty đã thay thế một số máy móc cũ, nâng cấp dây chuyền sản xuất, trang bị thêm hệ thống nước dập bụi trong quá trình nghiền đá, thực hiện tưới đường, bãi tập kết nguyên liệu 2 lần/ngày. Đơn vị thực hiện nổ mìn đúng giờ quy định.

Các đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động hơn việc bảo vệ môi trường khi sản xuất. Tuy nhiên, việc đầu tư máy móc hiện đại và các biện pháp giảm tải bụi, khí thải, nước thải ra môi trường vẫn còn hạn chế, có lúc, có nơi không thực hiện thường xuyên khiến cho môi trường ô nhiễm, người dân bức xúc.

Ông Phùng Thế Hiệu, Phó trưởng Phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài Nguyên và Môi trường khẳng định, bảo vệ môi trường hiện nay được cả xã hội quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Vì thế, ngoài việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm, đơn vị sẽ giám sát thường xuyên đối với các cơ sở sản xuất vi phạm theo phản ánh của các cơ quan báo chí, phản ảnh của cử tri. Sẽ kiên quyết xử lý đối với các cơ sở không thực hiện đúng yêu cầu về môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện cam kết bảo vệ môi trường trong sản xuất, ngoài cơ quan chức năng cần có sự giám sát từ cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương.

 Bài,ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục