Nỗ lực xuất khẩu hàng hóa

- Do ảnh hưởng của tình hình thế giới cùng với dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới bắt đầu trở về trạng thái ổn định nên đầu năm nay, tình hình xuất khẩu các loại mặt hàng trên địa bàn tỉnh chậm hơn dẫn tới giá trị xuất khẩu hàng hóa có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm mọi giải pháp tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại nhà máy may 1, thuộc Công ty cổ phần Tổng Công ty may Tuyên Quang LGG.    

Trong quý I, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 34 triệu USD, bằng 22,7% so với kế hoạch năm, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu là chè, giấy đế, bột giấy, hàng dệt may, bột barit, đũa gỗ, giày dép, antimony thỏi… Theo đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương, nguyên nhân giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm là do các doanh nghiệp chưa tìm kiếm được đơn hàng mới.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa trong nước hiện nay tốt hơn. Cùng với đó, không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay mới đang thực hiện được việc tổ chức gia công sản phẩm, chưa có sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu, chủ yếu là các sản phẩm giày da, gỗ. Do đó, sản lượng và giá trị xuất khẩu có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đã có hàng hóa và thị trường xuất khẩu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, duy trì các đối tác, bạn hàng truyền thống và cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Ông Phạm Xuân Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang cho biết, nếu như trong năm 2022, sản phẩm ván gỗ lau dầu, ván sàn của công ty chỉ xuất sang Trung Quốc và Malaisia thì trong đầu năm nay, công ty đã nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường sang một số nước Châu Âu như Đức. Để làm được điều này, công ty đã hoàn thành việc cấp chứng chỉ rừng đối với vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã theo yêu cầu của bạn hàng bên Đức.

Từ đầu năm đến nay, tổng doanh thu của công ty đạt 15 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ xuất khẩu chiếm 60%. Công ty cũng đã có đơn hàng trong quý II xuất khẩu đi nước ngoài. Để hoàn thành các đơn hàng trong quý II, công ty sẽ huy động 100% quân số lao động làm việc.

Còn tại nhà máy may 1, thuộc Công ty cổ phần Tổng Công ty may Tuyên Quang LGG, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang), không khí lao động tại các tổ sản xuất hết sức khẩn trương để kịp cho các đơn hàng xuất khẩu. Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, năm nay công ty đã phát triển thêm thị trường các nước EU. Đáp ứng nhu cầu của bạn hàng, công ty nâng kế hoạch sản xuất tăng 1,7 lần so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm đã có 2 triệu sản phẩm được sản xuất, đạt gần 50% kế hoạch của cả năm.

Sản phẩm gỗ ván xuất khẩu sang Đức của Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, công ty sẽ sản xuất thêm trên 3 triệu sản phẩm nữa. Theo ông Nghĩa, đơn hàng sản xuất của công ty tương đối ổn định, thậm chí có xu hướng phát triển. Bởi công ty đã làm tốt việc gây dựng uy tín với các bạn hàng truyền thống, đồng thời tăng cường các kênh thông tin, quảng bá sản phẩm sang các nước để tìm kiếm đối tác, bạn hàng. Công ty cũng xác định một số sản phẩm có thể xuất khẩu để quan tâm đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bên cạnh sự nỗ lực từ chính phía doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi các chính sách về thuế, thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Đồng chí Phạm Văn Toàn, Chi cục phó Chi cục Hải quan Tuyên Quang cho biết, Chi cục đã tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp khai báo các thủ tục xuất khẩu hàng hóa trực tuyến, giảm thời gian và chi phí thông quan cho doanh nghiệp.

Chi cục cũng đã quán triệt tới đội ngũ cán bộ hải quan thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ, tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan Tuyên Quang đã giải quyết cho 1.300 hồ sơ thủ tục xuất nhập khẩu, trong đó có 1.000 hồ sơ vào luồng xanh và được thông quan, còn lại là luồng vàng và luồng đỏ.

Mục tiêu năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 150 triệu USD, thực hiện mục tiêu này, theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Công thương Lộc Kim Liễn, Sở đang xây dựng dự thảo kế hoạch trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh đến năm 2030. Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tư vấn, khuyến khích và định hướng để doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu hơn nữa đối với một số sản phẩm thô, gia công mà chưa hoàn chỉnh để đủ điều kiện xuất khẩu.

Tuy những tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm phần nhiều do những yếu tố khách quan, song với sự nỗ lực của các ngành và từ chính doanh nghiệp, dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ có sự tăng tốc trong những tháng tiếp theo.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục