Với mục tiêu giảm đến mức thấp nhất và không có ca mắc SXH, hằng tháng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy nhằm hạn chế muỗi phát triển; các tổ chức đoàn thể phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng chống bệnh.
Người dân trên địa bàn thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hoá) chủ động phun thuốc khử khuẩn phòng chống bệnh SXH.
Từ năm 2022 đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà trên địa bàn huyện Chiêm Hoá mỗi năm ghi nhận 1 ca mắc SXH. Để làm tốt công tác tuyên truyền, hằng năm khi mới bắt đầu vào mùa mưa, ngành Y tế huyện đã chủ động phối hợp với các tổ chức, các địa phương về phòng, chống SXH với nhiều biện pháp như: Huy động các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân xử lý các dụng cụ chứa nước, dụng cụ phế thải và tổ chức ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường hằng tuần, hằng tháng.
Đồng thời, tổ chức ký cam kết với các hộ dân trên địa bàn tích cực tham gia phòng, chống dịch SXH và phổ biến các hình thức xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân lơ là, vi phạm trong công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, huyện còn duy trì trên 100 tổ công tác cộng đồng phòng, chống dịch và thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị để ứng phó với các tình huống dịch bệnh.
Ông Hứa Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết, nhằm triển khai hiệu quả, quyết liệt công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn, thời gian tới, UBND xã tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng tuyên truyền về dịch bệnh SXH đến các thôn và hộ gia đình. Đồng thời, vận động người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường sống, diệt lăng quăng, bọ gậy.
Ông Phạm Trần Khánh, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình nói: “Bản thân tôi và gia đình luôn hưởng ứng, thực hiện theo nội dung tuyên truyền của chính quyền địa phương cũng như cán bộ y tế. Gia đình tôi thường xuyên kiểm tra, dẹp bỏ dụng cụ chứa nước để tránh sự sinh sôi của lăng quăng, bọ gậy và tiến hành phát quang bụi rậm, thu gom rác trong nhà, ngoài ngõ để đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, phòng, chống SXH”.
Tương tự, tại xã Tân An hằng năm cũng chủ động phòng, chống SXH với nhiều biện pháp phong phú, linh hoạt như: Chỉ đạo các đoàn thể, các thôn vận động người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường và ký cam kết với 100% hộ dân về việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, bọ gậy; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sốt xuất huyết với phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng về kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để kịp thời ứng phó khi xảy ra dịch bệnh.
Cùng với sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương các xã, thị trấn trong công tác phòng chống dịch SXH, Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hoá đã triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống SXH. Ngành Y tế huyện đã có công văn chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại hộ gia đình. Yêu cầu người dân khi có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời, không tự điều trị tại nhà. Cung cấp cho cán bộ, viên chức người lao động, bệnh nhân và người nhà những kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng, chống SXH.
Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, huyện Chiêm Hoá đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nhằm khống chế, ngăn chặn kịp thời khi ghi nhận các ca mắc SXH trên địa bàn, không để bùng phát thành dịch.
Gửi phản hồi
In bài viết