Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Chính đang hướng dẫn nhân vật tạo dáng để có một bức ảnh chân dung có hồn.
Theo nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh gạo cội, để thành công trong mảng nhiếp ảnh nghệ thuật quả không phải chuyện đơn giản. Thực tế nhiều người đã theo đuổi nó hàng chục năm mà không nên cơm cháo gì. Các bức ảnh gửi đi dự thi của tác giả chưa có gì nổi bật hay lại na ná với những bức ảnh khác là một thất bại hiện hữu.
Đối với người nghệ sỹ nhiếp ảnh thực thụ, họ sợ nhất là đi vào lối mòn, rập khuôn. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính, Hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Phân hội trưởng Nhiếp ảnh - Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã có mấy chục năm cầm máy. Ông đã giành được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh uy tín. Ông bảo làm nhiếp ảnh không thể hời hợt được, cũng không thể “copy” những cái đã có hoặc của những người đi trước. Người nghệ sỹ phải luôn trăn trở, tìm tòi ý tưởng sáng tác mới. Trong các cuộc sinh hoạt chuyên môn ở phân hội, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính đề cao đổi mới ý tưởng sáng tác, tránh đi vào lối mòn. Theo ông đi vào lối mòn là “giết chết” người nghệ sỹ một cách từ từ. Nhiếp ảnh cho ông niềm đam mê bất tận đến bây giờ chính là quá trình luôn đổi mới mình, mỗi bức hình là một câu chuyện.
Nhiều người cứ nghĩ làm chủ một cái máy ảnh hiện đại, đắt tiền trước sau ắt sẽ thành nghệ sỹ là một sai lầm trầm trọng. Máy ảnh một phương tiện cho ra đời những bức ảnh tốt về màu sắc, độ nét, tương phản khi ta đặt nó đúng thông số, một điều không thể phủ nhận. Nhưng đây không phải yếu tố “cốt lõi” tạo ra người nghệ sỹ. Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Quang Minh - Hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Phân hội Nhiếp ảnh - Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, người đã sử dụng rất nhiều loại đời máy ảnh cho rằng, một bức ảnh tốt hội tụ của “ý tưởng - khoảnh khắc - bố cục - ánh sáng”. Nếu nắm chắc thông điệp này, mỗi bức ảnh ra đời sẽ khác nhau, tránh được sự na ná. Hiện nay có một thực tế là nhiều nhóm nghệ sỹ đi sáng tác cùng nhau, cùng chụp một chủ đề và cuối cùng là các bức ảnh giống nhau. Việc đi sáng tác cùng nhau, trao đổi nghiệp vụ sáng tác, cùng bạn “phượt” là một hoạt động tốt, tuy nhiên để có tác phẩm kinh điển đòi hỏi người nghệ sỹ phải đào sâu suy nghĩ về ý tưởng sáng tác. Việc này sẽ quyết định bức ảnh ra đời như thế nào.
Tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp tỉnh, khu vực và quốc gia, Ban giám khảo thường phân chia ảnh làm 3 loại: chân dung, đời thường và phong cảnh. Khi ảnh lọt qua vòng sơ khảo, Ban giám khảo lại chọn ảnh của cùng một chủ đề để so sánh loại tiếp. Như thể loại phong cảnh họ nhặt ra 5 bức chụp ruộng bậc thang Hồng Thái, qua so sánh, phân tích, bức nào đạt nhất lại tiếp tục vào vòng sau. Cứ như vậy Ban tổ chức sẽ chọn ra những bức ảnh xuất sắc nhất, những bức ảnh na ná, rập khuôn sẽ bị loại bỏ. Anh Phạm Khánh Dương, hội viên trẻ của Phân hội Nhiếp ảnh - Hội Văn học -Nghệ thuật tỉnh tâm sự “Để có bức ảnh đạt yêu cầu, cách duy nhất làm mới ý tưởng sáng tác”.
Mấy năm gần đây nhiếp ảnh xứ Tuyên nổi lên một tay máy “ngoại đạo”, liên tiếp giành giải cao của cuộc thi nhiếp ảnh khu vực miền núi phía Bắc. Đó là anh Lê Hồng Đức, giáo viên Mỹ thuật, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nhữ Hán (Yên Sơn). Lê Hồng Đức có máy ảnh hiện đại, có đam mê, có cả tư duy mỹ thuật. Nhưng cái làm nên “rực rỡ” của Lê Hồng Đức là anh không đi theo lối mòn, luôn có ý tưởng độc lạ. Qua ý tưởng độc lạ ấy, anh cố gắng gửi đến người xem một thông điệp có chiều sâu nhân văn. Theo anh, nhiếp ảnh là mảng đề tài rộng lớn, nó cần cái đầu tư duy của người nghệ sỹ một cách nghiêm túc, khoa học, đầy cảm xúc, có cá tính riêng. Như vậy người nghệ sỹ mới là chính họ trên con đường chinh phục môn nghệ thuật của ánh sáng.
Gửi phản hồi
In bài viết