Mỗi vần thơ của nhà thơ Tố Hữu là một khám phá mới về Bác, vị lãnh tụ vĩ đại mà bình dị, gần gũi. Bác là hiện thân của lòng thương yêu Nhân dân bao la như trời bể, một con người “Người” nhất và cũng khiêm tốn, giản dị nhất…
“Theo chân Bác” tựa như cuốn nhật ký về cuộc đời của Bác, lưu lại trong đó những gì đơn sơ nhất, thân thương nhất từng gắn bó với Bác... Và khoảnh khắc thiêng liêng hơn cả trong hành trình ấy là một sớm mùa Thu “… sáng mồng hai tháng chín/Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín/Bỗng vang lên tiếng hát ân tình: Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh…” (Theo chân Bác). 76 năm đã trôi qua, kể từ khi đất nước Việt Nam “nở hoa độc lập, kết trái tự do”, nhưng khoảnh khắc thiêng liêng Quốc khánh vẫn in đậm trong trái tim của hàng triệu người con đất Việt mỗi độ tháng 9 về.
Phút giây Bác đứng trên đài cao của Quảng trường Ba Đình, ôn tồn hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” đã lắng sâu, vang vọng trong tim bao thế hệ người Việt Nam... Bài ca độc lập ấy, hành trình thiêng liêng ấy, dân tộc ta đã trải qua cả một cuộc trường chinh gian khổ, biết bao máu xương đã đổ để mỗi chúng ta thấy thấm thía, biết nâng niu, trân trọng hơn giá trị của hòa bình “Người đứng trên đài, lặng phút giây/Trông đàn con đó, vẫy hai tay/Cao cao vầng trán ngời đôi mắt/Độc lập bây giờ mới thấy đây”… “Theo chân Bác” để đi tới “lên những tầng cao, thẳng cánh bay”. Và trên hành trình đi tới ấy, chúng ta nguyện bảo vệ, giữ gìn những thành quả cách mạng mà lớp lớp các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp, nguyện góp sức, chung tay dựng xây quê hương ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác kính yêu từng mong ước.
Gửi phản hồi
In bài viết