Cánh chim không mỏi sớm chiều vẫn bay…

- Thi sỹ Cao Xuân Thái có gương mặt hết sức bình thản. Chỉ khi ông cất tiếng nói thì tưởng đâu như tất cả tình yêu văn chương một đời dồn lại, trào lên trong âm sắc của sự tinh tế, giản dị mà toát lên sự kiên cường. Tròn 10 năm người đàn ông dáng hình nhỏ bé đã trở thành “chiến binh” 2 lần đánh bại căn bệnh ung thư. Và tháng ngày trên giường bệnh với những đợt xạ trị nhưng mạch thơ vẫn tuôn chảy, nâng đỡ đi qua bao đớn đau, hờn tủi của số phận. 10 năm ấy với 5 tập thơ, 3 tập bút ký với giải thưởng quốc tế danh giá, Cao Xuân Thái tựa như cánh chim không mỏi sớm chiều vẫn bay…

“Như hoa tàn, hoa nở để ta tin”


Thi sỹ Cao Xuân Thái.

Cao Xuân Thái, sinh năm 1948 tại Vương quốc Thái Lan, quê gốc Ninh Bình, nhưng rồi duyên nợ cuộc đời đưa ông đến với vùng đất Hà Tuyên. Ông hiện là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hà Giang. Cuộc đời của ông gắn bó với mảnh đất vùng cao, đến khi nghỉ hưu ông trở về “ở ẩn” trong căn nhà nhỏ ở một con phố thành Tuyên. Tổ ấm nhỏ bên người vợ hiền đã nâng cánh cho ông vươn lên trên hành trình thi ca và cuộc sống đầy biến cố thăng trầm.

Cao Xuân Thái vốn là người ít nói, lặng lẽ như một người thợ kim hoàn cần mẫn, bền bỉ từng ngày chuốt những xù xì thô ráp tạo ra có những sản phẩm nghệ thuật ưng ý cho đời. Sau bao năm tháng, khối gia tài đồ sộ với hàng trăm bài thơ, bút ký và hơn 20 tập sách in chung, in riêng đã tạo cho ông chỗ đứng riêng trên thi đàn. Và chắc hẳn rằng, mỗi câu chuyện cuộc đời hay thi phẩm của ông đều chứa đựng một bài học mà ai cũng thấy mình cần mang theo.

Ông trầm tư nhớ lại, năm 2011 ông bàng hoàng khi phát hiện mình bị ung thư bàng quang. Ông phải phẫu thuật 2 lần, cắt 1/2 bàng quang ở Bệnh viện Việt Xô năm 2012, sau đó truyền hóa chất. Thân thể gầy rộc đi, chỉ còn da bọc xương. Việc ăn uống đối với ông như cực hình. Bà Điển - vợ ông luôn bên cạnh động viên chồng, tìm đủ mọi cách để chế biến thức ăn dễ tiêu hóa như: nước cháo, củ, rau. Ông gắng gượng nuốt từng chút một, những cơn đau vẫn không thôi hành hạ từng giờ.

Năm 2014, một tin không vui lại đến khiến cả gia đình ông như suy sụp, căn bệnh ung thư của ông di căn đến dạ dày. Ông lại bị chỉ định truyền hóa chất theo phác đồ 6 đợt hóa chất trong nửa năm, truyền đến đợt thứ 4 thì ông bị kiệt sức, tóc rụng hết. Truyền hóa chất đến lần thứ 5 thì móng tay và móng chân lần lượt tuột ra. Sức cùng lực kiệt, ông chới với, mấp mé “cửa tử”. Gia đình quyết định bán căn nhà mặt phố đường Quang Trung (TP Tuyên Quang) chuyển vào con ngõ nhỏ để lấy tiền chạy chữa.

Một thời gian sau, ông được chỉ định phẫu thuật cắt 4/5 dạ dày. Vượt qua cuộc đại phẫu, cơ thể ông yếu, không còn mấy sức sống, kiệt lực, người gầy chưa được 40 kg. Bạn bè đến thăm ông không khỏi xót xa, thương cảm. Cuối năm 2017, nhà thơ Trần Đăng Khoa lên Tuyên Quang thăm ông và hướng dẫn cụ thể một bài tập dưỡng sinh đặc biệt phòng ngừa bệnh tái phát.
Với niềm tin mãnh liệt và được “truyền lửa” của bạn văn, Cao Xuân Thái tin tưởng vào bài tập này và bắt đầu tập theo. Sau hơn nửa năm kiên trì luyện tập, 

mở rộng thêm nhiều bài tập tương tự, nhà thơ đi kiểm tra sức khỏe tại 2 bệnh viện thì vô cùng bất ngờ khi các bác sỹ đều thông báo, trong cơ thể ông không còn tế bào ung thư. Bên người vợ hiền, ông nắm chặt tay, nhìn vào đôi mắt vợ lặng đi trước niềm hạnh phúc bất ngờ. Ông hiểu rằng, người luôn bên ông “đồng cam cộng khổ” đó là người vợ đã tiếp cho ông động lực sống. Còn nữa là nghĩa tình của người thân, các bạn văn chương sớm hôm qua lại thăm nom. Và có một người bạn tri kỷ, đã cho ông tựa vào để vươn lên, là chốn nương náu trút bỏ những cô đơn, đớn đau, tuyệt vọng, hạnh phúc, niềm tin, đó là thi ca!

Trải qua những biến cố thăng trầm ấy. Sau trước ông vẫn luôn là người lạc quan, yêu thương trân quý tất thảy mọi điều, cảm nhận nông sâu của tình yêu  giữa con người với nhau bởi: “Khi cái được đi cùng cái mất/Như hoa tàn hoa nở để ta tin”.

“Anh rất giàu bởi bên cạnh có em”

Độc giả biết đến Cao Xuân Thái qua những bài thơ nhẹ bẫng ngôn từ mà day dứt ý tứ. Chắc hẳn vì cuộc đời ngấm tuyết sương nhân thế nên những dòng chiêm nghiệm ấy cứ tuôn chảy theo mạch cảm xúc. Về hưu, thơ ông như đằm hơn mang màu sắc suy tưởng và tự sự nhiều trước cuộc đời, nhân tình thế thái. Trong 10 năm qua, bút lực ông dồi dào và đáng ngưỡng mộ, ông xuất bản được 5 tập thơ, 3 tập bút ký. Đặc biệt tập bút ký “Một rẻo Mê Công” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đoạt Giải thưởng văn học Quốc tế sông Mê Kong 2015.

Mới gần đây, ông vui mừng gửi tặng bạn văn chương tập thơ “Mưa về Thành Tuyên”, xuất bản Quý I năm 2021. Đây là sự tiếp nối cho mạch nguồn cảm thức giữa cuộc đời - thi ca; là tình yêu bất diệt dành cho mảnh đất xứ Tuyên và sự nâng niu trân quý sự sống, trân quý nghĩa tình giữa con người với nhau.

Ngay từ những dòng viết đầu tiên ông dành trọn sự tin yêu, biết ơn cuộc đời và em. Bờ vai bình yên của người đàn bà đã cho ông dựa vào sau những thăng trầm: “Ta đã sống trong năm tháng đợi chờ/Anh đi suốt một đời trận mạc/ Thấm thía đến tận cùng buồn đau mất mát/Em cho anh biết ân nghĩa cuộc đời” (Buổi sớm). “Em” trong trái tim thi sỹ như ngọn gió mùa thu mát lành trong trẻo, dịu dàng. Đó là chốn bình yên cho tâm hồn ông neo đậu, nguồn cảm hứng bất tận bên đời. Ông tự hào mà thốt lên rằng: “Anh rất giàu bởi bên cạnh có em”!

Sau những trầm luân, dâu bể, đến với tập thơ “Mưa về thành Tuyên” độc giả thấy không gian bao phủ trong những thi phẩm của Cao Xuân Thái là gam màu tươi sáng. Dẫu vẫn giọng thơ trầm buồn nhưng buồn trong thơ ông đã được thanh lọc, trong suốt như gương soi. Và ai ai cũng nhận ra mình trong những câu thơ như thế: “Biết bao lần sum họp, chia ly/Hoa sữa thơm mùa thu về gõ cửa/Chiếc lá rụng để chồi non vươn nở/Tiếng khóc làm người/Lẽ sống biết yêu thương... (Tiếng khóc làm người). Nhà phê bình Bình Nguyên Trang (Hà Nội) đã nhận xét rằng: “Trong vội vã của phố phường, đọc thơ Cao Xuân Thái, nghe lòng như chậm lại. Nghe một nỗi buồn rất êm mà buốt nhói. Những câu chữ rất buông, rất nhẹ mà thấy mất mát, hoang hoải, thấy hư vô phủ ngập trước mắt mình...; thấy phù phiếm, bon chen là phù du, vô nghĩa lý”.

“Mưa về thành Tuyên” là cơn mưa tâm tưởng, mưa theo dòng hoài niệm. Gói gọn trong đó là những kỷ niệm êm đềm tuổi thơ bên bến Phà Nông Tiến trong bài “Kỷ niệm”; nỗi nhớ không gian miền núi da diết, giăng mắc khi thi nhân một lần đến với thành đô xa hoa trong bài “Nhớ rừng”; sự tự hào, phấn khởi trước sự đổi mới đi lên của quê hương trong bài “Nhớ Hàm Yên”, “Ấm lòng Hồng Thái”... Giọng thơ nhẹ nhàng, lạc quan tin yêu. Viết về quê hương, Cao Xuân Thái như vẽ nên bức họa xinh tươi gợi hình, gợi cảm theo đúng “thi trung hữu họa”: “Thửa dưới nâng thửa trên/ Đẹp như tranh sơn mài khổ lớn/ Con chim bay ngang Khau Tràng, Nà Kiếm/Đánh rơi tiếng hót trong ngần” (Nhớ Hồng Thái); “Óng chuốt, dẻo mềm/Nong đôi, nong mốt/Bóng lá bên thềm, ve ngân da diết/Có mây Tràng Đà, vải thiều Nông Tiến/Tu hú gọi hè, trái thơm ngọt lịm” (Nét hoa).

Cao Xuân Thái thừa nhận rằng, “sau cơn mưa trời lại sáng”, sau những biến cố thăng trầm ta thấy được giá trị thâm sâu của cuộc đời vốn hữu hạn mà tình yêu thì bất diệt. “Mưa về thành Tuyên” là cơn mưa miền ký ức, niềm hân hoan của thi nhân khi đã vượt qua mọi thử thách, được tiếp tục sống, được viết, được cảm nhận trọn vẹn yêu thương.

Phóng sự: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục