Tết đến Bác thăm dân

- Tết đến, Xuân về, các gia đình, dòng họ thường quần tụ vui tết chúc Tết, mừng tuổi ông, bà, cha, mẹ những lời tốt đẹp đầu năm mới. Trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, ngay sau khi giành được độc lập hơn ba tháng, Tết Nguyên đán Bính Tý - 1946, Bác Hồ - vị Chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tiếp nối phong tục truyền thống tốt đẹp và đầy ý nghĩa ấy của dân tộc Việt Nam ta...

Đón giao thừa năm ấy (năm 1946) xong, Bác Hồ cải trang “khăn xếp áo the thành một cụ già đi chơi Tết” cùng hòa vào dòng người vui Xuân độc lập đầu tiên ở khu vực cầu Thê Húc, Hàng Ngang, Hàng Đào... (vì ngày đầu Cách mạng mới giành được chính quyền nên Bác vẫn thường căn dặn: bí mật, bất ngờ là an toàn nhất).

Từ cái Tết đầu tiên ấy, hằng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán, đêm giao thừa mỗi gia đình người Việt Nam ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đều chờ đón và chăm chú lắng nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ kính yêu. Và sáng mùng Một Tết năm nào cũng vậy, Bác đều đi thăm đồng bào, chiến sỹ ở Hà Nội và một số địa phương, tham gia Tết trồng cây cùng với nhân dân,

Vì lợi ích mười năm, trồng cây

Vì lợi ích trăm năm, trồng người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30/01/1957.

Theo Hồi ký của ông Vũ Kỳ, nguyên Thư ký riêng của Bác Hồ, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, đúng hai giáp (24 năm sau, kể từ cái Tết tiễn Ất Dậu, đón Bính Tuất - 1946), vào một ngày giáp Tết Kỷ Dậu - 1969, Bác nói: Năm nay các chú chuẩn bị cho Bác đi chúc Tết một vài nơi.

Khi biết tin này, bác sỹ và các đồng chí phục vụ rất lo lắng, vì Bác đã 79 tuổi, sức khỏe đã sút kém nhiều, lại thêm bệnh tim. Nhưng chỉ hai hôm sau nêu ý kiến đi chúc Tết nhân dân, Bác lại hỏi:

- Chú Kỳ! Các chú đã chuẩn bị cho Bác đi thăm những đâu? Mồng Một Tết này ta xuất hành phương nào?

- Thưa Bác, cháu đang liên hệ với các nơi.

Bác tỏ ý không hài lòng.

- Chú liên hệ thế làm sao giữ được bí mật.

Thực ra, chúng tôi và các bác sỹ đang tìm cách trì hoãn để bảo đảm sức khỏe cho Bác. Nghe tôi báo cáo xong Bác nói luôn:

- Thôi chú không phải thăm dò gì cả, chú có nhớ Bác phát động Tết trồng cây năm nay là năm thứ mấy rồi không?

- Thưa Bác, năm thứ mười ạ!

- Đúng, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tết trồng cây, chú bố trí cho Bác đi thăm và trồng cây ở một địa phương có thành tích.

Bác lại hỏi: Chú đọc bài báo “Đồi cây đón Bác Hồ” trên báo Nhân Dân vừa ra rồi không?

...Đó là đồi cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì - Hà Tây (nay là Hà Nội). Thấy tôi chần chừ, Bác chủ động nói tiếp:

 Còn đi chúc Tết bộ đội thì Bác mới được nghe báo cáo có Trung đoàn Thông tin anh hùng đóng quân ở Ba Vì, ta sẽ ghé vào chúc Tết luôn. Miền Nam đang tiếp tục đánh lớn, việc giữ liên lạc chặt chẽ với chiến trường là rất quan trọng.

Xong Bác lại nói:

- Nghe nói gần đấy có trại chăn nuôi của chú Hồ Giáo, chúng ta cũng ghé vào chúc Tết năm mới luôn. Trên đường đi chú xem nơi nào thuận tiện, ta cũng sẽ đến một hợp tác xã nông nghiệp chúc Tết bà con nông dân. Bác còn nêu chương trình thăm các cháu ở Trường Nguyễn Văn Trỗi, cậy thế con em cán bộ cao cấp không chịu tuân thủ kỷ luật nhà trường, Bác phải đến để dặn dò các cháu...

Sau khi tự đề ra một chương trình chúc Tết mà người khỏe chưa chắc đã thực hiện được, Bác vui vẻ kết luận:

- Đấy, có lẽ cứ như thế, việc gì mà chú phải liên hệ và gọi điện thăm dò.

Nghe xong chương trình đi chúc Tết của Bác, chúng tôi vô cùng lo lắng, vừa làm sao để Bác được vui Tết với đồng bào, bộ đội, thỏa được tấm lòng nhớ dân, thương dân của Bác mà cũng vẫn bảo đảm được sức khỏe cho Bác.

Cuối cùng chúng tôi phải nhờ đồng chí Phạm Văn Đồng tìm cách nói giúp may ra Bác thay đổi ý kiến, giảm bớt một số điểm đi chúc Tết... Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo xong, Bác đưa mắt nhìn tôi (Vũ Kỳ) tỏ ý không hài lòng:

- Lại chú Kỳ gợi ý chứ gì?

Rồi Bác hạ giọng như tâm tình:

- Các chú phải hiểu cho Bác. Tết đến, Bác đi thăm dân mà các chú lại ngăn cản Bác sao? Và chưa đi đã ngại mệt thì làm được việc gì?

 Đồng chí Vũ Kỳ kể lại: Sau này tôi càng hiểu thêm rằng, cuộc đi thăm dân lần ấy không chỉ đơn thuần là một cuộc đi chúc Tết thông thường, mà nằm trong một mục đích rộng lớn của Bác là nhằm giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới. Thăm dân vào dịp Tết này, chính là Bác muốn làm rõ thêm cái ý nghĩa quan trọng mà Bác đã từng răn dạy rất nhiều lần trong suốt mấy chục năm qua là “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Hiện nay, Đảng ta đang thực hiện cuộc vận động chính trị lớn: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ta xứng đáng là một Đảng chân chính, một đảng “vừa là đạo đức, vừa là văn minh” như Bác Hồ hằng mong muốn. Nhắc lại câu chuyện, kỷ niệm về Bác Hồ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, mỗi cán bộ, đảng viên dù ở bất kỳ cương vị nào thiết nghĩ cũng đều rất cần phải thấm nhuần tư tưởng gần dân, tôn trọng dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân của Bác Hồ.

Việt Thanh

Tin cùng chuyên mục