Hội nghị diễn ra diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: Trần Hải)
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phiên họp này kiểm điểm, đánh giá lại công việc đã làm kể từ Phiên họp thứ 6 vừa qua; nêu rõ, tình hình có chuyển biến tích cực, được tháo gỡ từng bước. Các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành được triển khai các bước còn lại, trong đó có chọn nhà thầu theo quy định; theo Thủ tướng, trong quá trình thực hiện cần bình tĩnh, không chần chừ, trong tháng 8 này phải khởi công dự án này; miễn là thực hiện phải công khai, minh bạch, đúng quy định, “cứ đúng mà làm” không được để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm trong đấu thầu, đấu giá. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải trực tiếp chỉ đạo, Bộ Xây dựng cũng phải phối hợp trong công tác này trên tinh thần “cái gì lợi, cái gì tốt thì làm” nhưng phải làm nhanh.
Với các dự án, Thủ tướng đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện với tinh thần thần tốc, thần tốc hơn nữa vì sự cấp bách của sự phát triển theo yêu cầu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; 3 đột phá chiến lược đang được tiến hành đúng hướng, phải “thừa thắng xông lên”; yêu cầu đặt ra phải nhanh chóng có các kết nối hạ tầng để phát triển; Bộ Chính trị đã đề ra 6 Nghị quyết vùng trong đó nhấn mạnh về phát triển hạ tầng giao thông; trong lúc khó khăn này, phải thúc đẩy đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, do đó các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lúc này để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Theo Thủ tướng, đây là thời điểm lịch sử quan trọng để chúng ta sớm hoàn thành hệ thống cao tốc bắc - nam, các tuyến cao tốc quan trọng khác kết nối vùng, liên vùng. Chúng ta đang đồng loạt triển khai các tuyến cao tốc này do đó phải thần tốc hơn, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, tạo không gian phát triển mới, tạo khu đô thị, khu dịch vụ, khu công nghiệp mới, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, nhanh chóng giải phóng mặt bằng, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm người dân đến nơi ở mới có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; tranh thủ dịp này tái cấu trúc lại dân cư. Vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng cấp nào, cấp đó giải quyết.
Thủ tướng mong các đại biểu với tinh thần, khí thế mới, với trọng trách phải triển khai mạnh mẽ, nói đi đôi với làm, đã làm phải có kết quả, "cân, đong, đo, đếm" được.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc… Thủ tướng nêu kinh nghiệm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vốn khó khăn trong giải phóng mặt bằng nhưng với quyết tâm cao, hai đô thị lớn này đã cơ bản giải phóng mặt bằng cho các dự án đường Vành 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Điều quan trọng rút ra là phải quyết tâm phải lớn, tư tưởng phải thông, “biến không thành có, biến không thể thành có thể, biến khó thành dễ”. Mặt bằng đã có, vấn đề bây giờ phải triển khai quyết liệt.
Thủ tướng khẳng định, với quyết tâm cao, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc thì không gì không thể giải quyết nổi, không khó khăn gì không thể vượt qua; trong quá trình làm cần cắt bớt các thủ tục rườm rà, không cần thiết.
Thủ tướng nhấn mạnh sẽ thanh tra quyết liệt việc giao mỏ nguyên vật liệu cho các nhà thầu, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm; thậm chí thanh tra giai đoạn này xong sẽ thanh tra tiếp cả giai đoạn trước.
Theo Bộ Giao thông vận tải, thời gian qua, về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án: các tỉnh Ninh Bình, Hải Phòng, Sơn La đang rà soát và tích cực triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua Ninh Bình và Hải Phòng) và Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn qua Sơn La) theo nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao.
Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đang hoàn thiện các thủ tục thẩm định để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong quý III/2023.
Các tỉnh Bình Phước, Thái Bình đã hoàn thành và trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu triển khả thi dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành và Nam Định - Thái Bình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thẩm định các dự án. Các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn và Cao Bằng đã triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn qua Hòa Bình), Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đang hoàn thiện các thủ tục thẩm định để phê duyệt dự án trong quý III/2023.
Thành phố Hà Nội đã trình thẩm định dự án thành phần 3 (Vành đai 4 Hà Nội), Hội đồng thẩm định nhà nước đang tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành, phê duyệt dự án đầu tư cuối quý III/2023; đồng thời đang hoàn thiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Về công tác thực hiện đầu tư các dự án: công tác giải phóng mặt bằng: các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai, đến nay công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng tiến độ như dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đã bàn giao được 89% (tăng 2% so với tháng trước), tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công là 80% (tăng 3% so với tháng trước); công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế đang tiếp tục triển khai nhưng còn chậm. 5 dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây và đường vành đai khởi công trong tháng 6/2023.
Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao như Hà Nội 87%, Thành phố Hồ Chí Minh 92%, Long An 96,9%, Hậu Giang 91%...
Đối với tỉnh Đồng Nai, do hiện nay đang triển khai đồng thời nhiều dự án dẫn đến tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành chậm hơn so với mặt bằng chung.
Về vật liệu xây dựng thông thường, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, tuy nhiên việc triển khai tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 còn chậm, trong tháng 7/2023 mới hoàn thiện thủ tục xác nhận Bản đăng ký khối lượng khai thác được thêm 14 mỏ, còn 27 mỏ đã trình các cơ quan nhưng chưa được chấp thuận. Dự án Vành đai 4 Hà Nội, thành phố Hà Nội đã họp và triển khai thủ tục giao mỏ, cấp mỏ cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù. Dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và dự án Biên Hòa - Vũng Tàu gặp khó khăn về vật liệu đắp. Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Hậu Giang và thành phố Cần Thơ chưa triển khai các thủ tục để khai thác mỏ tại An Giang.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)
Về công tác triển khai thi công, Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công “3 ca 4 kíp”, khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 4 dự án đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, với dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa ảnh hưởng đến lớn đến việc thi công lớp mặt bê tông nhựa, một số đoạn nền đất yếu cần rà soát, theo dõi, đánh giá trước khi thi công các lớp móng, mặt đường, do để hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu, đòi hỏi một sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong triển khai của tất cả các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các nhà thầu xây dựng.
12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nguồn cung cấp vật liệu cho các dự án dần được tháo gỡ, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công tăng ca, tập trung thi công các hạng mục không phụ thuộc vào nguồn vật liệu đất đắp (cầu, hầm, công trình, các vị trí đào).
Các nhà thầu đã triển khai thi công đến nay đã đạt 7.297/100.501 tỷ đồng (7,3% giá trị hợp đồng) tăng 2,3% so với tháng trước; giá trị giải ngân đạt 15.315/29.248 tỷ đồng (đạt 52% kế hoạch năm 2023). Tuy nhiên, thời gian tới bắt đầu vào mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải phát biểu. (Ảnh: Trần Hải)
5 dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây và đường vành đai khởi công trong tháng 6/2023, các chủ đầu tư đang chỉ đạo nhà thầu triển khai các thủ tục để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho dự án và thực hiện công tác chuẩn bị thi công, huy động máy móc, thiết bị, nhân lực, lập thiết kế bản vẽ thi công và triển khai công tác đào bóc hữu cơ, chuẩn bị mặt bằng…
Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các thủ tục để đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cuối năm 2023 và tuyến Bến Thành - Suối Tiên đầu năm 2024.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã nhận bàn giao 100% mặt bằng khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 59/126ha (46,5%) khu vực 2 tuyến giao thông kết nối; thi công 99/116 triệu m3 đào đắp (85,6%); đang đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính gói thầu 5.10 nhà ga hành khách, dự kiến hoàn thành công tác chấm thầu, thương thảo hợp đồng để khởi công trong tháng 8/2023; đã khởi công 2 tuyến giao thông kết nối ngày 14/7/2023 và dự kiến khởi công hạng mục đường cất hạ cánh trong tháng 8/2023; đang đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của gói thầu nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng trong tháng 8/2023…
Gửi phản hồi
In bài viết