>> Bài 1: Ban hành và triển khai các nghị quyết, đề án kịp thời, bài bản
>> Bài 3: Phát triển các ngành kinh tế trọng điểm
>> Bài 4: Chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo
>> Bài 5: Xây nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển
>> Bài cuối: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh
Những “đại lộ” trên núi
Cuối tháng 8, đầu tháng 9, tuyến đường bê tông nội đồng vào vùng sản xuất hàng hóa rộng hơn 60 ha của thôn 5, xã Tân Tiến (Yên Sơn) được hoàn thành. Dân trong làng không giấu được niềm vui. Hai bên đồi là những đồi keo ngút ngàn, dưới thung lũng là đồng lúa thẳng cánh cò bay, xen lẫn những đồi cây ăn quả trĩu cành. Ngày chưa có đường, người nối người tăng bo vận chuyển nông sản, gỗ rừng mỗi vụ thu hoạch. Con đường hoàn thành ngay trước vụ thu hoạch lúa mùa, những chiếc xe tải nhỏ được đánh đến tận chân ruộng, lúa gặt đến đâu, đóng bao đưa lên xe về nhà đến đấy.
Trưởng thôn 5 Hoàng Thị Bích Thìn cho biết, đây là tuyến đường nội đồng cuối cùng của thôn rồi. Thôn 5 nói riêng, cả xã Tân Tiến nói chung, giờ đã không khác gì phố thị. Không còn cảnh lội bùn đi lại, không còn cảnh gò lưng gánh từng bao thóc bao lúa, những tuyến đường bê tông nông thôn, bê tông nội đồng được ví như những “đại lộ” trên núi. Việc đóng góp để hoàn thành tuyến đường hơn 1.000 mét vừa rồi ở thôn 5 cũng được họp bàn dân nhiều lần. Dân tham gia góp ý, thảo luận, rồi chốt phương án cuối cùng là việc đóng góp tính theo diện tích. Mỗi mét vuông đất sản xuất đóng từ 160 đồng đến 620 đồng tùy tuyến. Có nhà chỉ phải đóng 400 nghìn đồng. Nhưng cũng có những nhà như Lò Phà Tờ đóng hơn 20 triệu đồng. Là bởi nhà ông có đến hơn 10 ha đất sản xuất ở đây, bao gồm cả đất rừng, đất lúa và cây ăn quả. Bà Thìn bảo, từ khi có quyết định làm đường, bà chưa phải cầm sổ đến nhà ai thu tiền đóng góp làm đường. Dân tự chủ động mang tiền đến nhà bà nộp.
Câu chuyện ở thôn 5 Tân Tiến chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện ở các thôn, bản của Tuyên Quang. Khi ngay sau Đại hội, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh triển khai xây dựng Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, đến nay, phong trào làm đường giao thông nông thôn diễn ra rất sôi nổi. Trong năm 2021, có 223 km đường bê tông nông thôn, đường giao thông nội đồng được hoàn thành. Chỉ trong tháng 9, một số địa phương đã tiếp tục đăng ký thêm 30 km đường nữa.
Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua xã Phú Thịnh (Yên Sơn) được đầu tư xây dựng hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế.
Ảnh: Quốc Việt
Cũng từ đầu năm 2021, tỉnh đã tổ chức động thổ Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài
- Lào Cai; tổ chức khảo sát tuyến đường tốc độ cao Tuyên Quang - Hà Giang, Na Hang - Ba Bể.
Đặc biệt, tin vui mới đây nhất, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước có 41 tuyến cao tốc, trong đó tỉnh Tuyên Quang sẽ có 2 tuyến cao tốc Tuyên Quang là điểm đầu của cao tốc Bắc Nam phía Tây (từ thành phố Tuyên Quang đến Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - điểm đầu là cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ) và cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Cùng với đó là 3 tuyến đường trong tỉnh được quy hoạch nâng lên đường Quốc lộ, gồm: ĐT185 từ Na Hang đi Phúc Yên (Lâm Bình) thành Quốc lộ 2C; ĐT186 từ An Hòa đi Hồng Lạc - Sơn Nam - Ninh Lai đi Vĩnh Phúc thành Quốc lộ 2D; ĐH 09 từ Km 31 đi Bằng Cốc - Thành Long đến Yên Bái thành Quốc lộ 3B. Bổ sung quy hoạch tỉnh Tuyên Quang 6 tuyến đường tỉnh là các trục dọc, trục ngang kết nối nội vùng và liên vùng.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Việt Lâm cho biết, xác định năm 2021 là năm bản lề, kết quả đạt được của năm sẽ là đòn bẩy cho những năm tiếp theo trong hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngay từ đầu năm, ngành đã chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và trình phê duyệt 2 Nghị quyết và 2 Đề án để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là Nghị quyết số 33-NQ/TU, ngày 22-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án thực hiện Nghị quyết; Nghị quyết số 55/NQ-HĐND, ngày 20-11-2020 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó phấn đấu hoàn thành ít nhất 1.080 km đường giao thông nông thôn và 200 cầu. Hiện đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ các hạng mục của dự án, bảo đảm công trình được triển khai đúng tiến độ, góp phần quan trọng thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, đưa Tuyên Quang ngày càng phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Đường mở đến đâu, phố theo đến đó
Ngày 25-5-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 24 về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh. Ngay sau đó, ngày 22-6-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 33 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin giai đoạn 2021 - 2025. Hai Nghị quyết này có mối liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau.
Thành phố Tuyên Quang đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí để trở thành đô thị loại I và trở thành đô thị hạt nhân của tỉnh. Ngày 23-2-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy là Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã nhấn mạnh, sau 10 năm kể từ khi thành phố Tuyên Quang được công nhận đô thị loại III, tỉnh đã có sự đổi thay rất lớn, cả khu vực đô thị và nông thôn, nhiều xe hơi, đường điện sáng lung linh khắp các tuyến phố và khu vực đường nông thôn.
Tuyến đường vào vùng cây ăn quả thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) vừa được hoàn thành.
Hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng với hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm, không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn mà còn mang đến cho thành phố Tuyên Quang diện mạo ngày càng hiện đại. Với mục tiêu trở thành đô thị bám theo sông Lô, những cây cầu Nông Tiến, Tân Hà, Bình Ca, An Hòa, Tình Húc đã góp phần tạo cơ hội để nhân dân đôi bờ sông Lô có điều kiện giao thương, phát triển kinh tế. Tuyến đường 2 bên bờ sông cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, mục tiêu là hoàn thành trong tháng 10-2021.
Hạ tầng giao thông đồng bộ đã mở ra cơ hội cho không gian đô thị, kiến trúc đô thị ngày càng văn minh hiện đại. Tỉnh đã tập trung thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư để xây dựng một loạt các khu đô thị cao cấp như khu đô thị Việt Mỹ Villas, Vincom Shophouse Tuyên Quang, Thịnh Hưng, An Phú, Tân Phát… Trong lộ trình tới, thành phố Tuyên Quang tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng thêm nhiều khu đô thị mới như Khu đô thị sinh thái Phú Lâm City, Khu đô thị Kim Phú, Khu đô thị Sinh thái và Dịch vụ thương mại Tình Húc…
Trục phát triển đô thị của huyện Yên Sơn cũng được quy hoạch theo đúng trục phát triển giao thông. Trong đó, mục tiêu của địa phương này là đến năm 2025, sẽ hình thành 3 trục phát triển đô thị: Trục bám theo tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, trục từ trung tâm huyện nối với Quốc lộ 2C và trục từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn. Ông Đỗ Xuân Hải, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Sơn khẳng định, chỉ khi hệ thống giao thông được hoàn thiện, đồng bộ, thì quỹ đất xung quanh các tuyến này mới được khai thác triệt để.
Trên địa bàn huyện hiện đã có một số nhà đầu tư khảo sát, xây dựng phương án khai thác quỹ đất, phát triển đô thị tại Nhữ Khê, Trung Môn và khu vực từ cầu Xuân Vân nối Quốc lộ 2C và đường ĐT 188. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, và đặc biệt, khi các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành, Yên Sơn cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện các nghị quyết để Sở Xây dựng trình UBND tỉnh lộ trình thực hiện phát triển 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại V, gồm Xuân Vân, Mỹ Bằng, Trung Sơn... Theo đó, kế hoạch của huyện là đến năm 2022 sẽ hoàn thành lập quy hoạch chung xã Mỹ Bằng, năm 2023 sẽ hoàn thành lập quy hoạch chung xã Xuân Vân và xã Trung Sơn là năm 2024.
Na Hang cũng đang nỗ lực xây dựng để trở thành đô thị lõi trong khu vực vùng núi phía Bắc của tỉnh. Những đặc trưng riêng có của địa phương này, như du lịch, đang được huyện khai thác trong tương lai. Với cơ cấu kinh tế tăng tỷ trọng dịch vụ - du lịch, công nghiệp và xây dựng, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Những tiềm năng về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa các dân tộc được tận dụng để phát triển du lịch, dịch vụ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Quốc Dũng cho biết, Nghị quyết 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 27%; năm 2030 đạt trên 35% và đến năm 2045 đạt trên 50%. Mục tiêu của ngành là quy hoạch và phát triển các đô thị hướng tới tạo lập môi trường sống văn minh, hiện đại, an toàn, bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, bản sắc văn hóa đặc trưng, sao cho các đô thị trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng tiêu chí đô thị hiện đại, đô thị xanh, đô thị thông minh, không gian đô thị thực sự hài hòa, hiện đại, có đặc trưng riêng.
Hạ tầng hoàn thiện, cơ hội để Tuyên Quang rút ngắn khoảng cách với các tỉnh phát triển đang dần gần lại. Như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc hồi tháng 2-2021, “Tuyên Quang sẽ có những bước đi đột phá, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước vì Việt Nam xanh, phát triển và bền vững”.
Bài, ảnh: Trần Liên
(còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết