>> Bài 1: Ban hành và triển khai các nghị quyết, đề án kịp thời, bài bản
>> Bài 2: Gỡ những điểm nghẽn hạ tầng
>> Bài 4: Chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo
>> Bài 5: Xây nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển
>> Bài cuối: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh
Vươn tới hình mẫu kinh tế lâm nghiệp
Tỉnh ta có gần 450.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích tự nhiên, trong đó 264.000 ha đất rừng sản xuất, chiếm 62,2%, đặc biệt có đến 88% là lực lượng lao động làm việc liên quan đến sản xuất lâm nghiệp. Từ điều kiện tự nhiên, xã hội và trên cơ sở quyết sách của Chính phủ, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm cho ngành kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững.
Công nhân Nhà máy chế biến gỗ Yên Sơn (Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang) sản xuất gỗ thanh xuất khẩu.
Tiêu biểu như Nghị quyết 96/2006/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 65/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang, ngày 17-3-2010 về việc phê duyệt Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại rừng sản xuất trên địa bàn; Nghị quyết số 03/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao và mới đây nhất, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU, ngày 26-6-2021 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2030.
Từ những cơ chế, chính sách, các giải pháp đã được thực hiện đồng bộ như quy hoạch, tạo quỹ đất phục vụ trồng rừng; chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây lâm nghiệp chất lượng cao vào trồng rừng nhằm rút ngắn chu kỳ sản xuất; khuyến khích người dân thuê khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn bền vững... người dân làm giàu từ rừng, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh dần phát triển bền vững.
Ông Phạm Văn Sơn, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) không ngờ rằng có ngày ông có thể thu về tiền tỷ từ rừng. Ông Sơn chia sẻ, trước trồng rừng là thực hiện chủ trương của Nhà nước phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đến đầu những năm 2000 nhờ chính sách phát triển lâm nghiệp của Nhà nước, gỗ rừng trồng trở thành mặt hàng có giá, thời điểm 2005 - 2006, gia đình khai thác 7 ha rừng, thu trên 300 triệu đồng. Khai thác đến đâu gia đình ông Sơn tái đầu tư trồng rừng ngay đến đó. Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang
hỗ trợ người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn phát triển rừng bền vững, ông Sơn tiên phong tham gia. Ông Sơn bảo, trung bình 1 ha rừng FSC tăng 15 -20% tùy theo độ tuổi và chất lượng rừng, năm 2018, gia đình khai thác chu kỳ rừng thứ 2 thu trên 1 tỷ đồng, rừng đã mang lại cuộc sống no đủ cho gia đình. Ở chu kỳ rừng thứ 3 với nguồn giống chất lượng cao do tỉnh hỗ trợ và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn FSC được khẳng định thì lợi nhuận từ trồng rừng sẽ còn cao hơn - ông Sơn kỳ vọng.
Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học, hiệu quả, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh đang đi theo đúng quỹ đạo và dần khẳng định vị trí đứng đầu toàn quốc trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Số liệu thống kê của ngành, trung bình mỗi năm tỉnh ta trồng mới trên 11.000 ha rừng, đứng 2 khu vực miền núi phía Bắc, sau tỉnh Yên Bái; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt gần 850.000 m3/năm, đứng thứ nhất các tỉnh miền núi phía Bắc và đứng thứ 5 so với cả nước; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha rừng đạt 116 triệu đồng/chu kỳ; gần 36.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, đứng đầu cả nước. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2020 đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng bình quân 7,5%/năm, chiếm 13% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn ngành; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%, đứng thứ 3 toàn quốc.
Nguồn lợi rừng mang lại đã tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng và một số ngành kinh tế khác. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 nhà máy chế biến gỗ rừng trồng, điển hình như: Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, công suất 1.300.000 m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang 680.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Na Hang 25.000 m3/năm... Ngoài ra là 300 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng quy mô vừa và nhỏ. Các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng của các nhà máy chinh phục được các thị trường EU, Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và công nghiệp của tỉnh. Chỉ tính riêng các nhà máy của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, trung bình mỗi năm sản
xuất ra 150.000 m3 sản phẩm gồm ván dăm, ván ép và các sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất để xuất khẩu chủ yếu vào Tập đoàn IKEA - tập đoàn kinh doanh đồ gỗ lớn nhất thế giới.
Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhấn mạnh, kế thừa những thành quả đạt được, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phục hồi hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị về mặt đa dạng sinh học của rừng tự nhiên; phát triển nâng cao chất lượng rừng trồng, chuyển dịch từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, đa đạng và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chế biến... phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1 sản phẩm đồ gỗ được công nhận thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Điểm đến hấp dẫn
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, “tiếp tục ban hành và thực hiện các chính sách phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khẳng định: “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” là một trong ba khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để cụ thể hóa mục tiêu đó, ngày 16-6-2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm được Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng hiện đại. Ảnh: Hoàng Thảo.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, xác định rõ phát triển du lịch là tất yếu, phù hợp xu thế và tiềm năng, lợi thế của địa phương là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã hình thành và phát triển một số loại hình du lịch như du lịch lễ hội; du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh... Nhiều sản phẩm du lịch của tỉnh đã có thương hiệu, sức cạnh tranh.
Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty FiveStar Travel, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khẳng định, các tour, tuyến du lịch lịch sử của công ty không thể thiếu điểm đến là Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương). Thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, mỗi năm Công ty FiveStar Travel tổ chức khoảng 100 tour cho du khách đến thăm các di tích tại Tân Trào. Ngoài sản phẩm du lịch lịch sử, sản phẩm du lịch lễ hội, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang cũng đang tạo ra sức hút lớn với khách du lịch.
Tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; khuyến khích phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống nhà hàng, khách sạn. Nhờ đó, số lượng nhà hàng, khách sạn phát triển nhanh; quy mô, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Toàn tỉnh hiện có trên 280 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 3.000 phòng. Trong đó, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 37 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 - 2 sao với phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Tuyên Quang cũng đang là điểm đến thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đầu tư vào du lịch, dịch vụ như Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn SunGroup...
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Thanh Sơn khẳng định, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Nghị quyết số 29-NQ/TU tỉnh đề ra mục tiêu tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia; danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch tâm linh tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc; tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các chương trình kết nối tour, tuyến du lịch, góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng... Tỉnh phối hợp với tỉnh Bắc Kạn đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ khoa học Khu thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới, nhằm tạo lập thương hiệu quốc tế của du lịch địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh tạo môi trường thuận lợi cũng như có cơ chế đặc thù thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh, nhất là các dự án có quy mô lớn, khách sạn, khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền với sản xuất nông nghiệp... từng bước đưa Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến trở thành điểm đến thân thiện, an toàn của du khách trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Đoàn Thư
(còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết