Khát vọng Tuyên Quang - Bài 4: Chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo

- Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định giảm từ 2 đến 2,5% hộ nghèo mỗi năm, đồng thời quyết tâm xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực phía Bắc. Đó đều là những mục tiêu khó đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Tuyên Quang. Song với quyết tâm cao độ, tinh thần vươn lên của “Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến”, nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã được các cấp, các ngành triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ.

>> Bài 1: Ban hành và triển khai các nghị quyết, đề án kịp thời, bài bản

>> Bài 2: Gỡ những điểm nghẽn hạ tầng

>> Bài 3: Phát triển các ngành kinh tế trọng điểm

>> Bài 5: Xây nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển

>> Bài cuối: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh

Phát huy tinh thần quê hương cách mạng

Trong kháng chiến, dù khó khăn, gian khổ, người dân Tuyên Quang sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, ủng hộ mọi mặt cho cách mạng để bảo vệ Trung ương Đảng và Bác Hồ. Thì nay, vẫn tinh thần vươn lên ấy, người dân Tuyên Quang đã đoàn kết cùng nhau chung sức thi đua trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Những câu chuyện tự nguyện viết đơn thoát nghèo không còn là câu chuyện hiếm ở nhiều địa phương.  Đó là trường hợp bà Phan Thị Trà, 85 tuổi, xóm Bình Ca 2, xã Tứ Quận (Yên Sơn); bà Quyền Thị Dưỡng, 83 tuổi, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên). Hay như trường hợp của ông Hà Tinh Tú ở thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên), hoàn cảnh khó khăn, bản thân bị tai nạn mất một bên mắt nhưng vẫn quyết tâm nộp đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ông Tú bảo: “Sự giúp đỡ của Nhà nước có hạn nên mình xác định phải nỗ lực từng ngày để vươn lên không thể trông chờ mãi được. Nguồn hỗ trợ của Nhà nước, mình xin nhường cho những hộ khó khăn hơn”. Ông Tú đã cần mẫn trong lao động, sau khi tìm hiểu từ nhiều nguồn, ông chọn hình thức nuôi trâu bò vỗ béo. Bên cạnh đó, gia đình ông còn nuôi thêm gà thả vườn, lợn đen… Nhờ kiên trì phát triển chăn nuôi, “lấy ngắn nuôi dài”, mô hình chăn nuôi của gia đình ông dần được mở rộng, mỗi năm đem lại thu nhập gần trăm triệu đồng. Đến nay, gia đình ông xây được nhà mới khang trang và chính thức được công nhận thoát nghèo. 

Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Tuyên Quang tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động địa phương. 

Bà Ma Thị Ngân, dân tộc Tày ở thôn Đèo nàng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) đã từng rơi vào tuyệt vọng khi người chồng - trụ cột trong gia đình đột ngột qua đời. Không lâu sau đó, ngôi nhà gia đình đang ở bị lửa thiêu rụi, “tài sản” chỉ còn sót lại vài bộ quần áo. Bà được chính quyền xã, bà con hàng xóm dựng cho ngôi nhà tạm, ủng hộ đồ dùng cá nhân. Ai cũng muốn để bà ở diện nghèo để giúp đỡ lâu dài nhưng bà Ngân nhất quyết không nhận, bà đã nhiều lần làm đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bà Ngân bảo: “Mình đã được mọi người giúp đỡ nhiều rồi, không thể nhận thêm nữa mà để dành cho người nghèo khác nữa, mình phải nỗ lực vươn lên, mình nghèo về vật chất chứ nhất định không nghèo về ý chí”…

Những điển hình, tinh thần vươn lên thoát nghèo đã lan tỏa trong nhân dân, khơi dậy nội lực của mỗi người, từ đó giúp cho việc triển khai các chính sách đối với công tác giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, của tỉnh đạt được hiệu quả cao. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 27,81% năm 2016 xuống còn 9,03% vào cuối năm 2020, bình quân giảm 3,76%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội, chính phủ giao. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo như Lâm Bình, Na Hang giảm bình quân 5,34%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo giảm bình quân 6,55%, đã từ lâu tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng…

Triển khai chính sách sát với thực tế

Những kết quả đạt được đáng mừng trên là nhờ Tuyên Quang đã triển khai các giải pháp giảm nghèo một cách đồng bộ. Đặc biệt là công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của nhân dân, hộ nghèo về chương trình, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, khơi dậy trong hộ nghèo ý chí vươn lên. Cùng với đó, các cấp, các ngành luôn coi giảm nghèo là một chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy khi triển khai từ tỉnh xuống đến cơ sở chính sách được thực hiện một cách nhất quán, hiệu quả.

Thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) được coi là điển hình trong triển khai các mô hình thoát nghèo. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn vay ưu đãi và được định hướng tham gia các lớp dạy nghề, đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã phát triển nghề nuôi trâu nhốt chuồng đem lại hiệu quả cao. Trưởng thôn Cháng A Bào nói, ngày trước cả thôn đa số là hộ nghèo, cuộc sống khó khăn lắm. Kể từ ngày phát triển nghề nuôi trâu, bò, nhiều hộ đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá. Chính bản thân gia đình anh, cũng nhờ vay vốn nuôi trâu bò vỗ béo đã làm được nhà, mua sắm được nhiều thiết bị, cuộc sống sang trang mới.

Đối với những người nghèo không có sự lựa chọn nào khác đó là chọn cho mình một hướng đi phù hợp. Nắm được điều này nên, trong thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương triển khai việc rà soát, phân tích nguyên nhân nghèo để triển khai các biện pháp hỗ trợ phù hợp trên tinh thần “hỗ trợ chiếc cần câu thay vì con cá”. Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, khi rà soát các hộ nghèo nhận thấy một số nguyên nhân chủ yếu đó là thiếu vốn, thiếu kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi... Do vậy huyện đã chỉ đạo tăng cường mở các lớp đào tạo nghề, đề nghị thực hiện ủy thác cho vay vốn ưu đãi để hộ nghèo đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển các mô hình du lịch… Trong quá trình triển khai cắt cử cán bộ huyện, xã, thôn hỗ trợ, theo dõi việc sử dụng nguồn vốn hay phát triển nghề đã học. Từ đó đã tạo ra sinh kế giúp các hộ nghèo vươn lên.

Người dân xã Năng Khả (Na Hang) học nghề mây tre đan.

Một trong những cách làm hiệu quả khác trong giảm nghèo đó là tỉnh đã cải cách thủ tục hành chính, thu hút các dự án lớn đầu tư vào địa bàn. Cơ chế thông thoáng và có nguồn lao động dồi dào đã giúp Tuyên Quang trở thành điểm đến đầu tư của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông Cho Won Jae, Tổng Giám đốc Công ty ty TNHH Future of Sound Vina ở Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết, việc Công ty chọn Tuyên Quang để đầu tư là hoàn toàn đúng đắn. Chính quyền tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ Công ty về mọi mặt. Đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, tốc độ tăng trưởng của Công ty tăng đều đã tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương với thu nhập bình quân đạt từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, xóa đói giảm nghèo, nhờ đó đã có tác động mạnh mẽ, giúp thay đổi các vùng quê, nhất là vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhờ vậy, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 90% số thôn bản có đường giao thông nông thôn, 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, thu nhập bình quân tăng lên đạt 44 triệu đồng/người/ năm…

Giảm nghèo đến đâu chắc đến đó

Mục tiêu của Tuyên Quang không phải là chạy theo số lượng giảm nghèo mà việc giảm nghèo phải gắn với thực tế, giảm nghèo đến đâu chắc đến đó. Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có điểm tựa vươn lên, các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ về nhiều mặt cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Việc hỗ trợ hộ nghèo được triển khai từ nhiều nguồn lực như ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ.

Trong thời gian này, tỉnh đang tập trung thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021; giúp người nghèo, cận nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh đó, tăng cường phổ biến, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác tiếp cận, theo dõi, hướng dẫn và trợ giúp kịp thời để người nghèo phát triển sinh kế; huy động các nguồn lực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo…

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2025 để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; triển khai thực hiện Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 17-4-2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2021; văn bản số 955/UBND-KGVX ngày 12/4/2021 về việc tăng cường công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 30-01-2021 về thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang…

Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2021 trở đi, mức thu nhập để xác định chuẩn nghèo sẽ cao hơn hiện nay do vậy tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở Tuyên Quang chắc chắn sẽ tăng. Cùng với đó trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến người dân. Đây là thách thức lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Do vậy đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của các cơ quan, đơn vị liên quan khi triển khai các giải pháp giảm nghèo, giúp việc triển khai chính sách đối với hộ nghèo kịp thời, hiệu quả từ trên xuống dưới.  

Trong quá trình triển khai thực hiện cần tăng cường hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, sự vào cuộc của các doanh nghiệp… đối với công tác giảm nghèo. Đồng thời kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu, tăng tính kết nối, phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn…

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục