Khát vọng Tuyên Quang: Bài 5: Xây nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển

- Trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có chất lượng, đây được coi là gốc của mọi công việc. Do vậy, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai xây dựng và ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện đề án này sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, thể hiện khát vọng vươn lên của người dân Tuyên Quang trong tiến trình hội nhập và phát triển.

>> Bài 1: Ban hành và triển khai các nghị quyết, đề án kịp thời, bài bản

>> Bài 2: Gỡ những điểm nghẽn hạ tầng

>> Bài 3: Phát triển các ngành kinh tế trọng điểm

>> Bài 4: Chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Những mục tiêu quan trọng

Mục tiêu của Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang là phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 72%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ trên 30% lực lượng lao động, đồng thời tạo việc làm cho trên 110.000 lao động. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu nhân lực trong các ngành kinh tế theo hướng giảm dần lao động ngành nông nghiệp, thủy sản (chiếm 42%), tăng dần lao động ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ (chiếm 58%); nâng tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ lên 50%; tỷ lệ huy động trẻ đi mẫu giáo đạt 100%, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 20%.

Tỉnh Tuyên Quang cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó có 90% có trình độ cao đẳng, đại học; 97% đảng viên có trình độ lý luận trung cấp trở lên; 100% đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, nghiên cứu, tổng hợp cấp tỉnh, cấp huyện khối chính quyền có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có trên 30% có trình độ trên đại học; 93,5% viên chức đạt chuẩn về trình độ, trong đó có 30% đạt trên chuẩn…

Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) là nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh và khu vực.

Những mục tiêu đề ra của Đề án được đề ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ nhằm thực hiện thành công Đề án để thúc đẩy Tuyên Quang phát triển toàn diện, nhiều giải pháp đã được triển khai. Trong đó, trọng tâm là tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong quá trình phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển một cách toàn diện cả về thể lực, tri thức, kỹ năng lao động; hành vi và ý thức chính trị - xã hội. Tỉnh cũng xác định việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải có trọng tâm, thu hút sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ông Đỗ Hữu Lân, cán bộ hưu trí phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) bày tỏ, ông đã đọc Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang qua cổng thông tin điện tử tỉnh và ông rất đồng tình. Ông Lân cho rằng, Đề án này khi được triển khai chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì thời nào cũng cần, ngày trước các cụ tuyển người tài còn phải tổ chức thi đến mấy vòng, người có học bao giờ cũng được trọng dụng. Bản thân thế hệ trước như ông dù tuổi đã cao nhưng có cái mới như Internet, điện thoại thông minh ông vẫn cố học để sử dụng. Đó chính là sự thích nghi, thay đổi để đáp ứng với thời cuộc, bởi vậy giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng, quyết định trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh trong tương lai.

Giải pháp tổ chức thực hiện

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, nhiều giải pháp quan trọng đang được triển khai. Trong đó, tỉnh xác định phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án đến các tầng lớp nhân dân. Từ đó giúp nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của yếu tố phát triển con người đối với sự phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực để đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng công việc.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương đào tạo công nhân may
theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Chị Hoàng Thị Thuật, cán bộ Văn phòng UBND xã Năng Khả (Na Hang) cho biết, chị đã có bằng Cao đẳng Văn hóa du lịch và bằng Đại học ngành Công tác xã hội. Tuy nhiên, công việc văn phòng đòi hỏi phải giao tiếp nhiều, phải thường xuyên tổng hợp và đề xuất với lãnh đạo nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng nên trong thời gian tới chị sẽ tiếp tục học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học. Từ đó giúp việc ban hành các văn bản chỉ đạo ở địa phương một cách kịp thời, hiệu quả hơn.  

Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09 năm 2016 của HĐND tỉnh về chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ sau đại học, giai đoạn 2017 - 2021; Nghị quyết số 34 năm 2013 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao và khuyến khích sinh viên cho Trường Đại học Tân Trào; Nghị quyết số  01 năm 2017 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách ưu đãi đối với giáo viên, học sinh Trường THPT Chuyên Tuyên Quang và hỗ trợ học sinh tham gia đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia; Quyết định số 18 của UBND tỉnh về Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh…

Đồng chí Nguyễn Minh Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tân Trào cho biết, nhà trường đang tích cực thực hiện các mục tiêu, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Nhà trường đã xác định việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giữ vai quan trọng hàng đầu để từng bước thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, gắn việc đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội. Nhà trường đang tập trung thực hiện Chiến lược phát triển trong giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu xây dựng trường thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực, là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của khu vực miền núi phía Bắc.

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được tỉnh quan tâm thực hiện đó là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, người lao động vươn lên học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Cùng với đó, tiếp tục quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên môn, công nhân và người lao động từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Đào tạo nghề Điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, nhà trường đang từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, gắn đào tạo tại nhà trường với cơ sở sản xuất. Để đào tạo theo nhu cầu thực tế, nhà trường đã mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng chương trình đào tạo của trường, từ đó để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo ra đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng, giúp nâng cao tỷ lệ học viên ra trường có việc làm.

Để Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang sớm phát huy hiệu quả, tỉnh đã chú trọng và nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học.  Cùng với đó đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực theo lĩnh vực ngành, theo một số ngành lĩnh vực đặc thù như ngành công nghệ thông tin, ngành du lịch, ngành khoa học công nghệ…

Có thể nói, triển khai các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo từng giai đoạn và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh sẽ là tiền đề quan trọng để Tuyên Quang sớm thực hiện được mục tiêu đề ra, đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục