Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm việc với Sở Tư pháp các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc

- Ngày 7-12, tại Sở Tư pháp, đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Tư pháp 7 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Để án 06).

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và lãnh đạo các Sở Tư pháp đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Đề án 06; công tác phối hợp trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 06 giữa ngành Tư pháp với các bộ, sở, ngành tại Trung ương và địa phương, các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ...

Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Qua báo cáo của lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thời gian qua, việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg luôn được cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện Đề án, cũng như những nhiệm vụ được giao cho ngành tư pháp trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định: nhất là việc liên thông dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC và phần mềm của Bộ làm ảnh hưởng tới kết quả giải quyết TTHC; việc tích hợp, đồng bộ dữ liệu liên thông còn nhiều khó khăn; một số quy định của luật và các văn bản hướng dẫn chưa đủ điều kiện để triển khai dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với Luật Hộ tịch...  Qua đó, Sở Tư pháp các tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ trong việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu các Hệ thống phần mềm do Bộ quản lý với hệ thống cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa cấp tỉnh đảm bảo thuận lợi; có những điều chỉnh phù hợp trong công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện Đề án…

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận những nỗ lực cố gắng của ngành tư pháp các địa phương trong triển khai Đề án 06. Thứ trưởng mong muốn, các địa phương cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về vị trí, vai trò của Đề án 06, bởi đây là Đề án có sự tác động lớn liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều lĩnh vực. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị, Sở Tư pháp các địa phương cần có cách tiếp cận và nguyên tắc thực hiện Đề án hiệu quả, có giải pháp căn cơ nhất để thúc đẩy quá trình thực hiện Đề án, với tinh thần vừa làm vừa căn chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương.

Quá trình triển khai thực hiện Đề án phải lấy người dân làm trung tâm, mặt khác, phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về việc số hoá, đặc biệt là trong công tác phối hợp với các ngành liên quan phải hài hoà, nhuần nhuyễn một cách chính xác hiệu quả. Việc xây dựng nhiệm vụ năm 2023 của ngành tư pháp các địa phương phải đưa nội dung về thực hiện Đề án vào nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh đó Bộ sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình thực hiện, khó khăn cùng tháo gỡ.

Các đại biểu thăm, tìm hiểu truyền thống lịch sử ngành Tư pháp tại Di tích lịch sử Bộ Tư pháp.

Trước đó, đoàn công tác của Bộ Tư pháp và lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc đã về nguồn tại Di tích Bộ Tư pháp tại thôn Mới xã Minh Thanh (Sơn Dương). Cùng đi có đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Trước anh linh các vị lãnh đạo tiền bối, lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp Việt Nam bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn trước công lao của Chủ tịch Hồ hí Minh và những cán bộ Tư pháp đầu tiên của Việt Nam; nguyện mãi học tập tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; phát huy truyền thống của ngành, trung thành, sáng tạo, tận tụy, đoàn kết, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tin, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục