Ngân hàng Tuyên Quang: 70 năm xây dựng và phát triển

- Cách đây 70 năm, ngày 6-5-1951, tại lán Hang Bòng, xã Tân Trào (Sơn Dương), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức khai sinh một ngành kinh tế mới cho đất nước và giao đồng chí Nguyễn Lương Bằng, ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tài chính - kinh tế Trung ương giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh với lãnh đạo các ngân hàng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021 (ngày 20-01-2021). Ảnh: Thành Công

Khi mới thành lập và đi vào hoạt động, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ở và làm việc tại xóm Bó Tảng, Bản Niếng, nay là thôn Quang Hải, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa). Đến tháng 4-1952, chuyển về ở, làm việc tại Làng Cảy, nay là thôn Tân Thành, xã Minh Thanh (Sơn Dương) cho đến khi về tiếp quản nhà băng Đông Dương tháng 10-1954. Sau sau đó, Ngân hàng Quốc gia cấp liên khu và cấp tỉnh trong toàn quốc lần lượt được thành lập; trong đó, Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tỉnh Tuyên Quang được thành lập vào tháng 6-1951, đồng chí Nguyễn Gia Hạc, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Hàm Yên được bổ nhiệm làm Trưởng Chi nhánh.

Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi, miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Ngân hàng Tuyên Quang thực hiện củng cố lưu thông tiền tệ, ổn định giá trị đồng tiền, nâng cao chất lượng tín dụng và các mặt nghiệp vụ khác. Đồng thời, vừa tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa chi viện cho chiến trường miền Nam, nhiều cán bộ Ngân hàng Tuyên Quang đã tình nguyện đi chiến đấu và phục vụ công tác kinh tài ở chiến trường miền Nam. Không ít cán bộ của ngành đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, như liệt sỹ Nguyễn Phúc Hải, Trần Minh Đức, Tạ Xuân Thành, Lê Văn Bích, Nguyễn Thanh Phong…

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Ngân hàng Nhà nước tỉnh.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), đất nước thống nhất, thực hiện Quyết nghị của Quốc hội khóa V, ngày 27-12-1975, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang đã hợp nhất thành tỉnh Hà Tuyên, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tuyên cũng được thành lập đặt trụ sở tại thị xã Hà Giang. Khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, tháng 2-1979 trụ sở chuyển về cùng địa điểm với Ngân hàng thị xã Tuyên Quang. Giai đoạn này, ngành Ngân hàng Hà Tuyên đã hoàn thành nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao, vừa bảo đảm an toàn tài sản, con người trong cuộc chiến tranh biên giới, vừa bảo đảm an ninh tiền tệ, tín dụng trên địa bàn. Sau tái lập tỉnh tháng 10 - 1991, bộ máy tổ chức của Ngân hàng Tuyên Quang đã dần được hoàn thiện, phù hợp với sự phát triển của toàn hệ thống ngân hàng, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngày càng có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu của tỉnh.
Tháng 5 - 1990, Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước, Pháp lệnh Ngân hàng thương mại và Hợp tác xã tín dụng có hiệu lực thi hành, chính thức chuyển cơ chế hoạt động của hệ thống Ngân hàng Việt Nam từ 1 cấp thành 2 cấp. Theo đó, ngành NgânhàngTuyên Quang, gồm: Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh  là đại diện pháp nhân của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại địa phương, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Trải qua 70 năm, đội ngũ công chức, nhân viên toàn ngành đã cùng đồng lòng, quyết tâm xây dựng Ngân hàng Tuyên Quang ngày càng phát triển, có những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và quê hương cách mạng. Ngân hàng Tuyên Quang đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, mạng lưới hoạt động và dịch vụ ngân hàng. Từ khởi điểm ban đầu là một Chi nhánh Ngân hàng nhỏ với gần 30 cán bộ và 5 phòng, đội trực thuộc, đến nay toàn tỉnh đã có gần 1.000 cán bộ, nhân viên, với sự hiện diện của 8 ngân hàng (bao gồm các loại hình Ngân hàng Thương mại Nhà nước, Ngân hàng Thương mại tư nhân, Ngân hàng Chính sách xã hội), 14 chi nhánh và trên 50 phòng giao dịch, mạng lưới tổ vay vốn trải rộng đến thôn. Các xã, phường, thị trấn đều có cán bộ, nhân viên ngân hàng trực tiếp phục vụ đã tạo thêm nhiều kênh dẫn vốn đầu tư cho nền kinh tế và cung cấp các dịch vụ ngân hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch của các thành phần kinh tế trong tỉnh.

Ngành Ngân hàng Tuyên Quang luôn bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ưu tiên vốn tập trung đầu tư cho các lĩnh vực đột phá,  lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; tập trung vốn đầu tư cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án lớn của tỉnh như: Dự án nguyên liệu giấy, thủy điện, cam sành, chè, mía, lạc, chăn nuôi... Vốn tín dụng ngân hàng có tác động sâu sắc đến sự phát triển của các thành phần kinh tế tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Cùng với vốn tín dụng thương mại, vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ gia đình thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ổn định, hàng nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo được xây mới, nhiều học sinh - sinh viên tiếp tục được cắp sách đến trường, nhiều công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt chuẩn quốc gia được xây dựng mới, hàng nghìn lao động được duy trì việc làm ổn định… góp phần thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ “không ai bị bỏ lại phía sau”.  So với khi mới tái lập tỉnh năm 1991, đến nay, tổng nguồn vốn trên địa bàn là 28.850 tỷ đồng, tăng 688 lần so với năm 1991, tổng dư nợ là 19.640 tỷ đồng, tăng gấp 668 lần; trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là 12.747 tỷ đồng, chiếm 65% tổng dư nợ, dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt 2.990 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ,…

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, giữ vai trò làm đầu mối chỉ đạo, điều hành hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Thống đốc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các cơ chế chính sách về tiền tệ, ngân hàng của Chính phủ, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước tỉnh thực hiện tốt các chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tỉnh luôn thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát, công tác kế toán - thanh toán, công tác tiền tệ - kho quỹ, công tác thông tin tuyên truyền... nhằm xây dựng hệ thống ngân hàng Tuyên Quang phát triển toàn diện, an toàn, bền vững.

 Cán bộ Agribank Sơn Dương trao đổi nghiệp vụ.

Các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh luôn chủ động triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của ngành, của tỉnh về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; thường xuyên tự đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian giao dịch. Mạng lưới ngân hàng được quan tâm phát triển rộng khắp từ thành phố đến trung tâm các cụm xã; trình độ cán bộ, nhân viên không ngừng được nâng lên, tinh thần, thái độ, tác phong làm việc, phục vụ nhân dân ngày càng chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo, thân thiện…

Đồng thời, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã từng bước đổi mới công nghệ, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Đã có nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn, tiện ích được thực hiện, như dịch vụ chuyển tiền điện tử, thẻ thanh toán, thanh toán quốc tế, thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, thu ngân sách Nhà nước... Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 80 máy giao dịch tự động ATM, 293 máy POS được lắp đặt tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, trong các năm qua, công tác an sinh xã hội được Ngân hàng Tuyên Quang thường xuyên quan tâm và triển khai có hiệu quả. Hàng năm, các ngân hàng đóng góp nhiều tỷ đồng để xây dựng lớp học, nhà văn hóa, nhà trẻ, mua sắm các trang thiết bị y tế, hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo… góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tập thể Ngân hàng Nhà nước tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, nhiều công chức Ngân hàng Nhà nước tỉnh và tập thể cán bộ, nhân viên các ngân hàng trên địa bàn đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác của các cấp, các ngành trao tặng.

Tự hào, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử 70 năm thành lập, xây dựng, đổi mới, phát triển và hội nhập của Ngân hàng Tuyên Quang, trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo, công chức, nhân viên ngành Ngân hàng Tuyên Quang tiếp tục đồng tâm, hiệp lực, đổi mới và sáng tạo, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

                                                                                             Trịnh Ngọc Tuấn
                                                                       Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục