Khắc phục chậm trễ

- Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách của Ủy ban Kinh tế tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV cho thấy có sự chậm trễ xảy ra ở những phần việc mang tính cấp bách và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã qua 5 tháng từ ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, nhưng các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn, chưa được áp dụng vào thực tiễn. Nguồn vốn của Chương trình vẫn chưa đi vào thực tế.

Việc giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm, công trình quốc gia cũng đang rất chậm. Sự chậm trễ cũng xảy ra trong việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; về xây dựng nông thôn mới; và về giảm nghèo bền vững.

Tình trạng này làm giảm hiệu quả, ý nghĩa và tính chất cấp bách của Chương trình, làm chậm tiến trình phục hồi của đất nước sau đại dịch; làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách.

Tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội cuối tuần vừa qua, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân của sự chậm trễ này, chỉ rõ cụ thể những nguyên nhân chủ quan, khách quan, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt để sớm có kết quả cụ thể của gói chính sách này theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng họp ngoài giờ, họp bất thường để hỗ trợ nhanh cho nền kinh tế. Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương và cố gắng làm sớm, không để lâu. Chính phủ cần bám sát tinh thần nội dung nào đã rõ, đã chắc và hoàn thành rồi trình, không nhất thiết chờ để trình 1 đợt.

Nhân dân phấn khởi khi thấy Quốc hội xem xét, thảo luận và người đứng đầu Quốc hội chỉ đạo khắc phục sự chậm trễ trong triển khai các gói phục hồi kinh tế và các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhân dân cũng mong muốn Quốc hội làm rõ nguyên nhân và giải pháp, xác lập trách nhiệm trong việc chậm thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách này. Có như vậy mới kịp thời hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn khó khăn; đồng thời bảo đảm ý nghĩa nhân văn của các chính sách đã đề ra, đưa đất nước sớm phục hồi và phát triển sau đại dịch.                        

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục