Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản (nhà, công trình xây dựng khác, cây trồng, vật nuôi) gắn liền với đất bị thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất vừa được tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, đại diện các tầng lớp Nhân dân, thể hiện mong muốn đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân. Cụ thể như: cần phải điều chỉnh, tăng giá bồi thường thiệt hại đối với tài sản trên đất phù hợp tình hình mới; bổ sung một số hạng mục tài sản và cây trồng trên đất đai bị thu hồi được bồi thường còn thiếu theo quy định; điều chỉnh nhiều nội dung để góp phần tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại, phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách, đồng thời hướng tới tối đa hóa lợi ích của người dân khi Nhà nước thu hồi đất... Từ đó làm cơ sở, căn cứ để các cơ quan soạn thảo bổ sung, điều chỉnh trước khi ban hành.
Hoạt động phản biện xã hội ở MTTQ cấp huyện và cơ sở cũng được thực hiện thường xuyên để tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước tại địa phương trước khi ban hành. Đảm bảo các chủ trương, chính sách được ban hành đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, hợp lòng dân, có sự đồng thuận xã hội cao…
Ủy ban MTTQ xã Kim Bình (Chiêm Hóa) tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo kế hoạch triển khai xây dựng đô thị năm 2023 trên địa bàn xã.
Ủy ban MTTQ huyện Lâm Bình vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Kế hoạch phát triển giáo dục năm 2024 trên địa bàn huyện. Qua hội nghị, nhiều ý kiến tâm huyết cho phát triển sự nghiệp giáo dục huyện vùng cao đã được lãnh đạo UBND huyện tiếp thu để chỉ đạo cơ quan chuyên môn hoàn thiện kế hoạch.
Đồng chí Ma Phúc Sơn, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lâm Bình cho biết: Qua các cuộc phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ huyện tổng hợp được nhiều ý kiến có giá trị từ các chuyên gia, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và Nhân dân để chuyển đến chính quyền và các cơ quan chuyên môn bổ sung, chỉnh sửa dự thảo văn bản… Nhờ vậy, góp phần hoàn thiện các đề án, chương trình kế hoạch để đưa vào thực tiễn phù hợp, hiệu quả.
Đồng chí Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: để chủ động trong việc phản biện xã hội, căn cứ Chương trình công tác năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh lựa chọn các nội dung, chính sách dự kiến ban hành trong năm có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để thống nhất với UBND tỉnh đưa các nội dung trên vào kế hoạch phản biện xã hội. Theo đó, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 6 Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo các nghị quyết, quyết định, đề án của HĐND, UBND tỉnh theo kế hoạch. Ngay sau các Hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổng hợp ý kiến phản biện gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo theo quy định.
Đến nay, tất cả các ý kiến phản biện xã hội của MTTQ tỉnh gửi đến đều được các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn có văn bản trả lời về việc giải trình, tiếp thu các ý kiến phản biện xã hội. Nhiều ý kiến phản biện xã là một trong những căn cứ quan trọng để HĐND tỉnh, UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung trước khi quyết định ban hành các chính sách phù hợp với thực tế, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội tỉnh đã thực hiện tốt việc góp ý xây dựng chính quyền, nội dung chủ yếu tham gia góp ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh; việc thực hiện cải cách hành chính, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… đồng thời chủ động tham gia góp ý, xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định chính quyền ở địa phương có liên quan thiết thực đến quyền, lợi ích hợp pháp và đời sống của Nhân dân.
Với việc chú trọng thực hiện và nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tập hợp, huy động được đại diện các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại địa phương trước khi ban hành. Qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh…
Gửi phản hồi
In bài viết