Trị bệnh sợ sai

- Thực tiễn đổi mới nước ta đã cho thấy những tấm gương dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Đó là những cái tên như Kim Ngọc với những quyết định xé rào, “khoán hộ”, “khoán mười”, góp phần thúc đẩy đổi mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt với những biệt danh: “Chủ tịch gạo”, “Bí thư xé rào”, “Thủ tướng điện”; “Kiến trúc sư Đổi mới”…

Nhưng gần đây, đã xuất hiện một bộ phận cán bộ “thủ thế an toàn”, không dám quyết, dám làm vì sợ sai, sợ rủi ro. Đây chính là “căn bệnh” hiện nay của hầu hết các địa phương, khi tỷ lệ tăng trưởng GDP cả nước 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,32%, thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, vật tư thiết bị y tế ở các bệnh viện; chậm giải ngân vốn đầu tư công; “băng giá” thị trường bất động sản…

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.

Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 14 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan của Đảng cũng đã ban hành các quy định có liên quan nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung…

Chính vì vậy, trị bệnh sợ sai đang là yêu cầu đặc biệt quan trọng hiện nay, đòi hỏi từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải vừa có quy định cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ, vừa hỗ trợ, bảo vệ những nhân tố dám nghĩ, dám làm, dám tham mưu, chủ động sáng tạo vì lợi ích chung.

Hà Linh

Tin cùng chuyên mục