Tư vấn, hướng dẫn chăm sóc cho trẻ trong thời điểm giao mùa tại Trạm Y tế xã Tân Thành (Hàm Yên).
Trên mạng xã hội Facebook, tài khoản có tên Lương Chung, đang sinh sống tại Tuyên Quang chia sẻ: "Không nghĩ dịch về nhanh như vậy, nghe tin con ốm mẹ về ngay, đến tối mới biết cả lớp bị gần hết”. Chia sẻ của chị nhận được rất nhiều tương tác, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ con mình cũng đang có triệu chứng nôn liên tục, không ăn uống được, sau nôn là bị tiêu chảy và sốt từ 39 đến 39,5 độ, cơ thể của trẻ mệt mỏi.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, tổ 5, phường Tân Quang cho biết, mọi người đang chia sẻ về bệnh tiêu chảy cấp rất nhiều và nhiều phụ huynh cho rằng đây là một dịch bệnh mới, rất nguy hiểm khiến chị rất lo lắng. Điều không may là con chị đã bị lây và cũng có biểu hiện tương tự, con nôn rất nhiều và hầu như bỏ ăn, sau đó là tiêu chảy. Tuy nhiên, nhờ biết trước và đọc kỹ thông tin về bệnh tiêu chảy nên chị đã chủ động mua men tiêu hóa cho con uống đồng thời giúp con ăn các thức ăn dễ tiêu, đủ dinh dưỡng nên bệnh đã tự khỏi sau 4 ngày, đến nay sức khỏe của con đã ổn định, có thể vui chơi như bình thường.
Để tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này, phóng viên Báo Tuyên Quang đã có buổi trao đổi với thầy thuốc ưu tú, bác sỹ Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo bác sỹ Giang, trong những ngày qua số bệnh nhi nhập viện điều trị với những biểu hiện nôn, sốt, đi ngoài nhiều lần, ăn uống kém, rối loạn điện giải có tăng so với bình thường nhưng không tăng đột biến so với các năm trước. Đây là thời điểm giao mùa, bắt đầu vào mùa hè dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn liên quan đến tiêu hóa, có thể do virus hoặc vi khuẩn. Thông thường ở trẻ dưới 5 tuổi, sốt, nôn là biểu hiện tiêu chảy cấp do Rota virus. Tuy nhiên Rota virus thường được thấy vào mùa đông. Ở trẻ được tiêm phòng Rota virus hoặc nhiễm bệnh trong mùa hè có thể do các virus khác như Adenovirus.
Trẻ được hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau giờ hoạt động ngoài trời
tại Trường Mầm non Thiện Kế (Sơn Dương).
Để phòng bệnh, phụ huynh cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cho trẻ; bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh; thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng…
Cũng theo bác sỹ Giang, tiêu chảy ở trẻ em là bệnh thường gặp nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết cách xử trí. Nhiều cha mẹ vội vã cho con uống thuốc cầm tiêu chảy, thuốc kháng sinh, cho con nhịn ăn hoặc kiêng khem quá mức… Chính những cách chăm sóc sai lầm này khiến bệnh tiêu chảy ở trẻ càng nặng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Việc quan trọng nhất là cần làm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các y, bác sỹ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Khi ở nhà, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng nước đã mất. Cho trẻ uống dung dịch Oresol pha theo hướng dẫn của bác sỹ, nước đun sôi để nguội, nước cơm, nước cháo, nước dừa tươi; cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất. Bữa ăn của trẻ cần đầy đủ 4 nhóm chất gồm chất béo, chất đạm, đường bột, chất xơ, vitamin và khoáng chất, cho ăn thức ăn nấu nhừ, dễ tiêu hóa, chia thành nhiều bữa ăn. Khi thấy phân trẻ có lẫn máu, trẻ nôn ói nhiều, không thể ăn hay uống được, sốt cao, li bì, môi khô, lưỡi khô… cha mẹ nên cho trẻ nhập viện ngay.
Trước các thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội các bậc phụ huynh cần tránh tâm lý hoang mang, lo sợ. Việc chủ động phòng tránh cho con và gia đình luôn là biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và biến chứng nguy hiểm nếu mắc bệnh, đồng thời cha mẹ cũng cần theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống để trang bị cho mình các kiến thức cần thiết, chính xác nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết