Triển khai đồng bộ các giải pháp
Xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm cho người dân, doanh nghiệp nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực, UBND huyện kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng, phát triển chính quyền số và chuyển đổi số đảm bảo tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển của huyện. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số huyện, tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo chuyển đổi số của huyện, ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng.
Kết quả, toàn huyện đã thành lập được 283 tổ công nghệ số cộng đồng ở 100% các thôn, tổ dân phố trên địa bàn, với 1.500 thành viên tham gia. UBND các xã đã thành lập nhóm quản lý, điều hành và hỗ trợ hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương với 182 thành viên tham gia.
Với phương châm: "nhận thức" là quyết định, "người dân, doanh nghiệp" là trung tâm, "thể chế và công nghệ số” là động lực, "nền tảng số” là đột phá, "an toàn, an ninh thông tin" là then chốt, "chính quyền" là tiên phong, UBND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như tại các lớp tập huấn, các hội nghị trực tiếp, trực tuyến; trên trang thông tin điện tử, trên hệ thống phát thanh, truyền thanh từ huyện xuống các xã, thị trấn; trên các nền tảng mạng xã hội và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân.
Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng mà UBND tập trung chỉ đạo đó là huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đề cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu các xã, thị trấn. Chú trọng sử dụng các giải pháp, nền tảng công nghệ số của Việt Nam để đảm bảo sẵn sàng kết nối với các hệ thống dùng chung của tỉnh. Đặc biệt, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để thực hiện.
Đảm bảo hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, Hàm Yên đang nỗ lực tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm công tác CCHC; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường truyền thông chính sách gắn với những vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận "một cửa"…
Chuyển biến tích cực
Công tác chuyển đổi số của Hàm Yên đã chuyển biến tích cực. Trong tháng 10 - 2023, Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công huyện Hàm Yên đạt 68,06%, đứng vị trí thứ nhất trong các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Các chỉ tiêu cụ thể như: công khai minh bạch đạt 100%, tiến độ giải quyết hồ sơ đạt 98,6%, dịch vụ công trực tuyến đạt 95,6%, thanh toán trực tuyến đạt 47,59%, tăng 2,8% so với tháng trước, đứng thứ hai toàn tỉnh; mức độ hài lòng đạt 99,9%; số hóa hồ sơ đạt 76,4%. Tính riêng tháng 10, số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến của UBND cấp huyện tăng 1.740 hồ sơ, cao gấp gần 8 lần so với tháng trước. Tổng số tài khoản định danh điện tử đã được kích hoạt thành công 74.631 tài khoản, đạt 73,35% tổng số công dân đủ điều kiện kích hoạt trên địa bàn huyện, tăng 0,59% so với tháng trước, trong đó tài khoản được kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 là 36.456 tài khoản.
Chuyển đổi số cấp xã, thị trấn tập trung thực hiện trên cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với chính quyền số, huyện đã tạo điều kiện cải thiện hạ tầng số của các đơn vị, hệ thống mạng internet đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định và an toàn giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả.
Hiện 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên; 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn văn bản chưa được xử lý; 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình (cán bộ tiếp nhận - lãnh đạo ký duyệt - văn thư đóng dấu - trả kết quả), qua đó giảm tình trạng chậm trễ hồ sơ của tổ chức và công dân.
Trong phát triển kinh tế số, hiện nay nhiều địa phương đã phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử, triển khai chợ 4.0, tham gia các nhóm bán hàng trên mạng xã hội Zalo, Facebook, từ đó từng bước thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm. Một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như: cam sành, vịt bầu Minh Hương, thanh long Yên Phú… được đưa lên sàn thương mại điện tử đã được thiết kế thêm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, từ đó sản phẩm được nhiều người biết đến hơn.
Ông Vương Quốc Tuần, Trưởng thôn Làng Mãn 1, xã Thái Hòa chia sẻ: qua các nhóm Zalo, Facebook, trang thông tin điện tử đã giúp người dân nhanh chóng nắm bắt kịp thời tinh thần chỉ đạo của xã. Đa dạng kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin đã và đang đem lại niềm tin của người dân đối với sự quản lý, điều hành của chính quyền.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, chuyển đổi số của Hàm Yên đang chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện.
Gửi phản hồi
In bài viết