Quyết liệt thực hiện dịch vụ công trực tuyến

- Năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 309.000/475.000 hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt tỷ lệ 65%, tăng 2,4 lần so với năm 2022. Đây là thành quả từ sự quyết liệt của tỉnh trong phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.

Xác định dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử, tỉnh đã chủ động trong việc thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến; các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh không ngừng nâng cấp hệ thống dịch vụ công, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại bộ phận Một cửa các cấp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.

Song song với đó, tỉnh đã đẩy mạnh việc hoàn thiện các phần mềm dịch vụ công với nhiều chức năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân. Qua đó, số lượng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Chỉ sau vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng, hồ sơ đăng ký chứng nhận quyền sử dụng đất được anh Lương Văn Tiến, thôn Lè, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Anh Tiến chia sẻ, trước đây, mỗi lần đi làm các thủ tục, giấy tờ tại các cơ quan nhà nước, anh rất ngại vì phải đợi chờ hoặc đi lại nhiều lần, đến nhiều nơi mới giải quyết xong. Nhưng vừa qua, anh có nhu cầu sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cán bộ xã Yên Lâm (Hàm Yên) hướng dẫn người dân sử dụng tiện ích của căn cước công dân gắn chíp trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Khi đến làm việc, anh được công chức làm việc tại bộ phận “Một cửa” của xã Hùng Lợi tận tình hướng dẫn cách đăng ký tài khoản công dân và nộp hồ sơ trực tuyến. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã biết và thực hiện thuần thục các thao tác trong quy trình nộp hồ sơ trực tuyến trên điện thoại cá nhân.

Toàn bộ quy trình nộp hồ sơ và tiến trình giải quyết hồ sơ của anh đều được hiển thị rõ ràng trên điện thoại giúp anh theo dõi được tiến trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của mình. Từ nay, việc thực hiện các thủ tục hành chính của anh thuận lợi hơn nhiều vì có thể thực hiện tại nhà vào bất cứ thời gian nào trong ngày.

Tại xã Thượng Lâm (Lâm Bình), để giúp người dân, tổ chức tra cứu thông tin và thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, xã đã có cách làm sáng tạo bằng việc niêm yết, tra cứu thủ tục hành chính bằng mã QR bên cạnh việc niêm yết thủ tục hành chính bằng bảng niêm yết truyền thống tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã và 13/13 nhà văn hóa thôn.

Đồng chí Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm cho biết, từ khi triển khai việc niêm yết, tra cứu thông tin hồ sơ mẫu thủ tục hành chính bằng mã QR, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tại bộ phận “Một cửa” không mất nhiều thời gian để hướng dẫn, giải thích cho người dân, mà người dân tự quét mã QR, tra cứu các thông tin cần thiết và thực hiện. Giải pháp này có tính thực tiễn cao, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Các mã QR thủ tục hành chính còn được đưa lên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, đưa lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… để người dân dễ dàng tiếp cận hơn. Đến nay 100% hồ sơ thủ tục hành chính của người dân trong xã nộp trực tuyến.

Huyện Hàm Yên là một trong những địa phương triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. UBND huyện Hàm Yên đã cung cấp 172 TTHC áp dụng DVC mức độ 3 và 28 dịch vụ công mức độ 4, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đạt 80%. Có được kết quả này, huyện đã tăng cường áp dụng, triển khai các sáng kiến, giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính; chỉ đạo các tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của người đứng đầu trong cải cách hành chính; tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp các cơ quan, đơn vị, tránh đùn đẩy khi trả lời cơ quan cấp dưới và người dân, phải trả lời đúng thời gian, đúng quy định, đúng thủ tục.

Với phương châm “lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số”, sau hơn 2 năm hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã khẳng định đây là bước đột phá của tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết, để đáp ứng được yêu cầu của tổ chức và cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Trung tâm đã không ngừng nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đường truyền, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; tích hợp toàn bộ dữ liệu về thủ tục hành chính công lên phần mềm một cửa điện tử liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến để đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động và triển khai thực hiện các giao dịch điện tử.

Đồng thời, Trung tâm đã triển khai ứng dụng Zalo OA trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Người dân có thể cập nhật việc tiếp nhận, thẩm định, ký duyệt hồ sơ và trạng thái đã trả kết quả qua Zalo. Qua đó góp phần bảo đảm tính chuyên nghiệp, minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận 60,9% hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, tăng hơn 23,4% so với năm 2022.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.941 dịch vụ hành chính công được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 282 dịch vụ công mức độ 3, đạt 15%; 1.054 dịch vụ công mức độ 4, đạt 56%.

Bài, ảnh: Dương Châu

Tin cùng chuyên mục