Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn. Trong đó kinh tế số có một vị trí hết sức quan trọng, Việt Nam hiện là quốc gia có nền kinh tế số sở hữu tốc độ tăng trưởng cao nhất, đồng thời cũng thuộc nhóm đầu về tiềm năng phát triển trong khu vực.
Trong năm 2020, tổng giá trị hàng hóa giao dịch của nền kinh tế số Việt Nam ước đạt 14 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019, và được dự báo sẽ tăng lên mức 52 tỷ USD vào năm 2025. Chính phủ Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế số. Ví dụ, như: Trục liên thông văn bản quốc gia kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan Trung ương và địa phương, cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 2.650 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền chỉ sau một năm vận hành chính thức. Kinh tế số đã thực sự được coi là một cấu thành quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Với chính sách nhất quán của Đảng, Chính phủ, kinh tế số đang có đầy đủ các điều kiện để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu: Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; kinh tế số đóng góp 30% GDP; Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau.
Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, phát huy nội lực và cách làm của Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng độc lập”. Lời dạy của Bác chính là kim chỉ nam cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Chuyển đổi số phải trở thành cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thành công khi mỗi người dân chủ động, tích cực tham gia và được thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
Gửi phản hồi
In bài viết