Để lại đằng sau phố thị ồn ã tiếng động cơ. Dừng chân trước ngọn núi, ngửa mặt mới nhìn thấy đỉnh. Ông Hoàng Hải cho biết: Đồng Mưa là Di tích ngành Tài nguyên Môi trường, đồng thời ở đây cũng có Trạm khí tượng mang tên Đồng Mưa. Hóa ra di tích chỉ cách thành phố chừng hai mươi cây số. Là người Tuyên Quang thế mà nay tôi mới biết. Tuyên Quang Thủ đô Kháng chiến có hơn 500 di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Những nơi ghi dấu ấn một thời của bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị là nơi về nguồn, giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Duy nhất Đồng Mưa vừa là Di tích vừa là nơi trực tiếp phát huy truyền thống của ngành. Đồng Mưa không chỉ là di tích. Trạm khí tượng Đồng Mưa ra đời từ thời kháng chiến và tồn tại từ đó đến nay. Đã qua mấy thế hệ nhân viên cần mẫn đo từng cấp gió, đong nước từng cơn mưa dù nhỏ dù to, gom từng giọt nắng, đo thân nhiệt của trời của đất. Thật là một di tích có một không hai.
Minh họa: Hồng Kiều
Trời xuân rét ngọt. Miên man màn mưa. Không gian hư ảo. Ngỡ lạc vào thế giới của các bậc ẩn sĩ, chân tu thời viễn cổ. Ngược con dốc dựng đứng không có bậc, rêu trơn rờn rợn dưới bàn chân, dò từng bước. Có chỗ phải bám vào gốc cây bên đường mới bước lên được. Mưa bỗng nặng hạt, dệt nên bức màn trời hư ảo. Những rặng núi chìm dần vào mờ khuất vợi xa. Trạm là căn nhà xinh xắn, để thông hai gian. Cô nhân viên dáng người thanh mảnh tươi cười chào đón nhưng chắc rất ngạc nhiên, tự hỏi, khách nào lặn lội đến trạm vào ngày đầu năm thế này?
Đoán được nỗi băn khoăn của cô gái, ông Hoàng Hải vội giới thiệu tên mình, rồi nói tiếp:
- Trước kia chú làm ở Sở Tài nguyên - Môi trường, tức là cùng trong một bộ với cháu nhưng các trạm khí tượng, thủy văn đặt ở tỉnh ta lại thuộc đài khu vực Việt Trì, nên cháu thấy lạ là phải.
- Ối chết, cháu xin lỗi.
- Cháu không có lỗi. Là tại chú tự cho mình quá quen thuộc nơi này mới đường đột vào trạm mà không báo trước.
- Vậy ra chú đã từng công tác ở trạm?
- Không. Chú chỉ tham gia xây dựng khu di tích của Bộ ta thôi.
- Thảo nào chú đến đây như về nhà, thuộc hết mọi chỗ.
- Không thuộc thế đâu, ngay cháu tên gì, ở trạm lâu chưa chú còn chưa rõ nữa là.
- Dạ, cháu tên Phan Trương Thị Thế, công tác ở trạm, qua tết này là được sáu năm.
- Chắc là mang cả họ bố và họ mẹ. Như thế là tốt. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra cơ mà. Giống như Tài Nguyên và Môi trường, việc nào cũng quan trọng.
Theo cô Thế lên nơi đặt dụng cụ quan trắc. Lại vượt một đoạn dốc rêu phủ. May sao mưa chỉ còn rắc bụi li ti. Đặt chân tới vườn, khuôn viên bằng phẳng, ngự giữa đỉnh núi. Không có bất cứ một tòa ngang dãy dọc nào che khuất tầm nhìn. Hai lều khí tượng, màu sơn ăn nhập màu sương núi, khiêm nhường giữa sân. Bất ngờ mở ra không gian thoáng đãng bao la. Một thế giới yên tĩnh đến lạ thường khiến tinh thần hứng khởi, lâng lâng, phấn chấn. Núi non, làng bản gần xa tất cả dưới tầm mắt. Nhớ lại lần đến Trạm khí tượng Phó Bảng cũng cảm giác này, cũng một cô nhân viên bé nhỏ giữa bốn bề sương phủ. Tôi lấy làm thú vị nhận ra rằng, ở đây, một cơ sở khoa học, người ta vẫn gọi vườn khí tượng, lều khí tượng, những từ ngữ dân dã, thân quen, gần gũi với nhà nông.
Cô Phan Thế mở cửa lều, chỉ cho tôi biết cách vận hành của các dụng cụ đo khí tượng, nói:
- Việc của chúng cháu ở trạm nếu đem so với bà con làm ruộng, trồng rừng, kể được xem là đỡ vất vả hơn. Trạm có ba người. Em Cường là trai, chị Bích Phượng trạm trưởng và cháu. Mỗi người trực một ngày một đêm, từ 8 giờ hôm trước đến 8 giờ hôm sau. Em Cường nhà liền đây, nhà cháu cách hơn mười cây số. Chị Phương nhà ở thành phố còn xa hơn. Chắc các chú thắc mắc sao dốc không xây bậc. Chính là để hai chị em ngày ngày lên, xuống trạm bằng xe máy, tiết kiệm thời gian.
Tôi rùng mình, tóc gáy dựng ngược khi hình dung cô gái thấp nhỏ dông xe lên dốc, và khi xuống còn nguy hiểm hơn. Sẽ xảy ra điều gì nếu chẳng may xe trượt bánh. Không dám nghĩ tiếp. Phan Thế vẫn thản nhiên kể:
- Mỗi phiên trực phải thực hiện bốn ốp vào khung giờ cố định là 1giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ. Chỉ thế thôi, nhưng không được trễ giờ và số liệu phải tuyệt đối trung thực. Ông Hoàng Hải đồng tình:
- Trung thực là đức hàng đầu của nhân viên khí tượng, thủy văn, cũng là của bất kỳ một cán bộ khoa học nào. Như trong ngành địa chất chú công tác, không trung thực về trữ lượng một điểm mỏ có thể lãng phí không biết bao nhiêu công của mà kể. Và tất nhiên phải có lòng yêu nghề.
Nghe kể lịch ốp làm tôi liên tưởng đến bộ Tứ trực Công tào trong hệ thống tranh thờ của dân tộc Dao. Bộ tranh này vẽ hình bốn Công tào biểu hiện cho các sao trong bốn thời khắc: Nửa đêm, rạng đông, giữa trưa, hoàng hôn. Thời khắc nào cũng có một vị thần hiện diện soi chiếu trần gian chứng kiến mọi việc làm, thiện có, ác có của nhân gian để trình tấu trung thực với Ngọc hoàng. Hóa ra, Trời soi chiếu Người, Người ghi biến động của Trời thời khắc trung nhau. Tuy không nói ra, nhưng tôi hiểu lòng yêu nghề của nhân viên khí tượng thật tuyệt vời, đáng nể phục. Thử đặt mình là người làm việc này: Một mình giữa mênh mang trời đất. Gần như không có ai mà chuyện trò, chia sẻ. Số liệu khí tượng thì dùng công nghệ thông tin truyền qua đám mây điện tử, chẳng cần nói một lời. Quanh năm suốt tháng quẩn quanh bên mấy thiết bị đo mưa, đo ánh nắng, đo nhiệt, đo độ ẩm có từ thời ngành Khí tượng ra đời, không có phụ cấp thâm niên, dẫu đã qua đại học chính quy vẫn chỉ hưởng lương theo vị trí của nhân viên. Đến cả công tác Đảng, đoàn thể cũng sinh hoạt với đài khu vực đóng ở thành phố Việt Trì. Chỉ những người yêu nghề, với trái tim nồng cháy, chấp nhận thiệt thòi mới lặng lẽ hôm sớm tâm tình, thân thiết với vũ trụ, lắng nghe hơi thở, nhịp đập của không gian bao la.
Mỗi bình minh ai mà chẳng nghe bản tin dự báo thời tiết nhưng không mấy ai biết rằng, phải có số liệu của các trạm đặt ở mọi vùng miền mới đưa ra được những bản tin ấy.
Rời vườn khí tượng ông Hoàng Hải hướng dẫn tham quan Di tích bộ Tài nguyên - Môi trường. Được biết, bộ có những chín phân ngành nào tài nguyên đất, tài nguyên nước, địa chất, khoáng sản… Hồi Chính phủ Kháng chiến thì đất đai do Bộ Canh nông quản lý. Nha Khí tượng - Thủy văn thuộc bộ Giao thông - Công chính. Cơ quan hai bộ này đóng tại nhiều địa điểm và các ngành trực thuộc bộ cũng di chuyển qua không ít nơi. Những nơi ấy, dấu tích để lại hầu như không còn gì đáng kể. Sưu tầm tài liệu, hội thảo, sau phát hiện ra địa điểm Đồng Mưa, thuộc thôn Đồng Mưa, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có trạm khí tượng, nơi ông Nguyễn Xiển, người được xem như “ ông tổ” của ngành Khí tượng - Thủy văn thời cách mạng làm việc là nơi xứng đáng xây dựng di tích. Tại nơi này còn một hiện vật quý giá là chiếc bàn đá ông Nguyễn Xiển đặt thiết bị truyền số liệu.
Ông Hải tính kiệm lời, ít khi nói chuyện mình, nhưng tôi được biết, ông có mười lăm năm làm Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Tuyên Quang; tham gia xây dựng di tích này từ khâu tìm hiểu lý lịch, xác định địa điểm đến khâu đo đạc, lo thủ tục cấp quyền sử dụng đất, tư vấn biểu tượng kiến trúc, giám sát thi công… Ông còn đề xuất với lãnh đạo tuyển vào ngành Khí tượng cháu Cường, con gia đình đã giúp đỡ nhà thiên văn học Nguyễn Xiển thời kháng chiến.
Để hiểu thêm giá trị của Di tích Đồng Mưa, thiết nghĩ nên cung cấp cho người đọc ít điều về nhà thiên văn Nguyễn Xiển: Đầu tháng 5 năm 1950, tại Thủ đô Kháng chiến Tuyên Quang, đến dự Hội nghị Canh nông toàn quốc, sau khi hoan nghênh bài nói của các ông Nguyễn Xiển và Nghiêm Xuân Yêm, Bác Hồ bổ sung thêm:
- Ngoài những kiến thức lý luận khoa học cao siêu các chú nói, cần áp dụng những kinh nghiệm lâu đời của dân ta như: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm. Hay nhân dân ta có kinh nghiệm nhìn chòm sao thần nông để tính toán ngày gieo cấy.
Bác nói tiếp:
- Ngày xưa bên Trung Hoa, đời Hán, Lưu Bị thắng lớn trong trận Xích Bích, Tào Tháo thua to chết hàng vạn quân. Công lao to lớn thuộc về Khổng Minh Gia Cát Lượng có tri thức thiên văn, chọn đúng thời điểm phát hỏa tấn công. Ngừng giây lát, Bác nói:
- Vậy Bác hỏi chú Xiển có thể dự báo được thời tiết để Bác và Chính phủ ra lệnh tổng phản công không? Ông Nguyễn Xiển kính cẩn đáp:
- Kính thưa Bác được ạ! Nguyễn Xiển tôi xin tự nguyện làm Khổng Minh Gia Cát Lượng cả đời cho Bác. Bác Hồ cười vui vẻ:
- Bác Hồ và Chính phủ cảm ơn trước nhà thiên văn học, nhà chiêm tinh học Nguyễn Xiển rất chung thủy. Bác Hồ nói “chung thuỷ” là có ý nhắc đến sự việc: Ngày 22 tháng 8 năm 1945, nhà thiên văn học Nguyễn Xiển đã cùng hai trí thức nổi tiếng là giáo sư Ngụy Như Kon Tum và luật sư Hồ Hữu Tường cùng ký bức điện gửi vua Bảo Đại, với nội dung: “Một Chính phủ nhân dân cách mạng đã thành lập, Chủ tịch là Cụ Hồ Chí Minh, yêu cầu đức vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà”. Như thế đó, kế sách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh tài tình, thâm thúy biết chừng nào; như thế đó, lòng yêu nước của mỗi người dân Việt, trong đó có tầng lớp trí thức một khi được thức tỉnh, trọng dụng đã tận tụy vì việc nước. Trên đường về, ông Hải thổ lộ:
- Thực tiễn cho thấy biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, gay gắt, khó lường. Để dự báo tiệm cận chính xác thì mật độ trạm khí tượng - thủy văn phải được đặt dày hơn, công tác khí tượng thủy văn cần được chú trọng hơn và cần có chế độ hưởng thụ tốt hơn đối với những người ngày đêm gắn bó làm công việc thầm lặng. Đó cũng là góp phần phòng tránh biến đổi khí hậu.
Đồng Mưa, tháng 3, năm 2021
Gửi phản hồi
In bài viết