Phát triển thương mại điện tử

- Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận có thể hữu hình hoặc giao nhận qua Internet dưới dạng số hóa.

Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm, 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử…

Những năm gần đây, cùng với xu thế phát triển thương mại điện tử chung, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp bước đầu ứng dụng thương mại điện tử để phân phối sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường thông qua việc tham gia các sàn giao dịch điện tử, các trang thương mại điện tử. Từ năm 2015, tỉnh đã thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, đã có 623 doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch với 2.120 sản phẩm. Trong đó nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh đã được đưa lên sàn giao dịch. Ngoài ra, toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký bán hàng trên các trang thương mại điện tử được Bộ Công Thương cấp phép. Bên cạnh việc tham gia sàn giao dịch điện tử, các trang thương mại điện tử, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh còn sử dụng các trang Facebook, Fanpage để kinh doanh, tiếp cận, tìm kiếm thị trường.

Để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm OCOP, bên cạnh những cách tìm kiếm thị trường truyền thống thì việc phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP thông qua thương mại điện tử cần được khai thác mạnh mẽ hơn nữa.

Muốn vậy, tỉnh cần quan tâm đến tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong quá trình xây dựng các sản phẩm OCOP nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đồng thời lựa chọn và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực phát triển thương mại điện tử để đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh cần trang bị kỹ năng về thương mại điện tử, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó chú trọng đầu tư nguồn nhân lực phát triển thương mại điện tử để có thể đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục