Bước qua ranh giới nghèo
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại xã vùng cao Yên Phú. Theo địa chỉ trên lá đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo gửi UBND xã, chúng tôi tìm đến gia đình anh Đào Văn Sùng, dân tộc Mông, thôn 1A Thống Nhất. Trong căn nhà xây, cửa sổ vẫn còn là những mảnh gỗ gắn tạm, thế nhưng năm 2022, anh Sùng đã có một quyết định táo bạo là làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để làm động lực, khích lệ gia đình vươn lên sản xuất, thoát nghèo, làm gương cho các con.
Ở tuổi 84, bà Nguyễn Thị Tuyết, thôn 20, xã Đức Ninh (Hàm Yên) chăn nuôi thêm gia cầm cải thiện đời sống.
Năm 2009, anh Sùng lập gia đình thì cũng bắt đầu từ năm ấy, gia đình anh Sùng thuộc diện nghèo. Theo lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo với nhiều tâm sự, bày tỏ sự quyết tâm vươn lên: “Những năm qua, gia đình tôi đã được thôn, bản và xã Yên Phú hỗ trợ nhiều. Bản thân gia đình tôi cũng đã cố gắng vươn lên, cuộc sống nay đã khá hơn nhiều nên tôi quyết định làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường các hộ khác khó khăn hơn, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và cũng là để gia đình tự nỗ lực phấn đấu vươn lên hơn nữa…” - anh Sùng viết trong đơn xin thoát nghèo.
Dẫu biết không còn là hộ nghèo thì đồng nghĩa với việc gia đình sẽ không được nhận các khoản hỗ trợ, chi phí bảo hiểm y tế cũng không còn được miễn giảm, con cái đi học không được miễn học phí... nhưng bản thân anh Sùng và gia đình không quá băn khoăn vì điều đó nữa. Anh tích cực đi làm thợ xây dựng, chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa, ngô lấy lương thực và phụ phẩm chăn nuôi. Cuộc sống nhờ thế dần khá hơn.
Cũng như anh Đào Văn Sùng, gia đình anh Nông Văn Tính tại thôn Bơi, xã Yên Thuận đã làm cái việc mà nhiều người trong thôn, xã cho là chẳng giống ai khi viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, có người còn bảo anh là gàn dở. Nhưng anh Tính lại suy nghĩ khác. Anh bảo, nhiều năm qua, cái nghèo đeo bám, khiến cuộc sống gia đình anh luôn trong cảnh thiếu thốn đủ thứ. Trước đây, cũng có thời gian anh rất sợ thoát nghèo vì những khoản hỗ trợ sẽ không còn, nhưng mình còn khỏe, gia đình còn có đất, có vườn sao lại phải trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Để minh chứng cho quyết định thoát nghèo của mình là đúng đắn, vợ chồng anh Tính tích cực tìm kiếm việc làm ổn định. Hiện anh đang làm sơn đồ gỗ và vợ anh làm công nhân tại Bắc Ninh. Có công ăn việc làm ổn định, gia đình anh có điều kiện sắm sửa được các đồ dùng trong nhà như ti vi, tủ lạnh, xe máy... cuộc sống gia đình đã ổn định hơn và ngày một đi lên.
Còn bà Nguyễn Thị Tuyết, thôn 20, xã Đức Ninh, thu nhập eo hẹp, cuộc sống chật vật đẩy bà vào diện hộ nghèo trong nhiều năm liền. Suốt những năm tháng đó, bà nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Giờ đây, bà Tuyết 84 tuổi, con cháu trưởng thành đã ra ở riêng, có điều kiện chăm lo cho bà nên năm 2021, bà quyết định viết đơn xin thoát nghèo. Bà bảo, nhiều năm ở trong diện hộ nghèo, mình cũng đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ rồi. Giờ sống một mình, nhu cầu cũng không còn nhiều nữa, có khó khăn gì con cháu gần xa cũng hỗ trợ nhiều nên bà “nhường” cho những người còn khó khăn, vất vả hơn.
Những câu chuyện bình dị ấy đã nói lên được ý chí thoát nghèo của người dân trong huyện Hàm Yên. Trò chuyện với các gia đình có đơn “xin thoát nghèo”, chúng tôi cảm nhận được trong mắt họ ánh lên niềm vui, niềm tự hào vì mình không còn là hộ nghèo.
Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại
Công tác giảm nghèo đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó điểm mấu chốt là người nghèo phải có quyết tâm, tự thân muốn thoát nghèo.
Đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh cho biết, trong năm 2021, xã có hộ bà Nguyễn Thị Tuyết, thôn 20 và năm 2022 có hộ bà Mai Thị Đà, thôn Cây Xoan đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Việc người dân tự nguyện xin thoát nghèo là một việc làm cho thấy người dân nơi đây đã thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, có ý chí vươn lên. Ngay sau khi nhận được đơn của người dân, xã tiến hành đến tận từng hộ xem xét, thẩm tra lại mức sống, thu nhập của các hộ rồi mới thể theo nguyện vọng xin thoát nghèo của người dân.
Anh Đào Văn Sùng, thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) tích cực lao động để thoát nghèo.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Hàm Yên có 5 hộ dân tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đã thổi luồng gió tự lực, tự cường thoát nghèo trong mỗi gia đình. Đồng chí Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên khẳng định, những hộ viết đơn xin thoát nghèo không hẳn vì họ đã khá giả mà chứng tỏ người dân đã bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Việc làm này không chỉ góp phần tích cực giúp chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế mà còn là minh chứng cho những thay đổi trong nhận thức, tư duy của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, huyện Hàm Yên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạo sinh kế cho người dân có việc làm, thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức được 4 phiên giao dịch việc làm; hơn 8.000 lao động được tạo việc làm ở các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất khẩu lao động; giải ngân trên 57 tỷ đồng cho gần 1.000 hộ nghèo được vay vốn tín dụng. Từ chỗ có gần 7 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,42% vào đầu năm 2022, đến nay huyện đã giảm 2.210 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 14%, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.
Và những lá đơn xin thoát nghèo đó chính là niềm tin, lời khẳng định người dân Hàm Yên muốn tự lực vươn lên, chung sức xây dựng huyện nông thôn mới. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo sẽ ngày càng được nhân lên, thắp sáng ước mơ thoát khỏi nghèo khó, xây đắp cuộc sống no ấm.
Gửi phản hồi
In bài viết