Hành trình xuất khẩu nông sản của chàng trai Đèo Mon

- Hành trình liên kết nông dân để đưa nông sản đi xuất khẩu của chàng trai trẻ Phạm Văn Tuấn, 38 tuổi, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) khá gian truân nhưng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới cho người nông dân. Làn da cháy nắng rắn rỏi cùng với nụ cười tươi tắn của anh luôn mang lại sự lạc quan cho người đối diện.

Liên kết để xuất khẩu

Tốt nghiệp ngành Điện công nghiệp của trường Cao đẳng công nghiệp Việt Đức, anh Tuấn được nhận vào làm việc ở một công ty giấy với mức thu nhập khá ổn định. Nhưng anh vẫn nuôi mơ ước trở về quê hương làm giàu từ đồng ruộng. Sinh ra và lớn lên ở thôn Đèo Mon, mảnh đất nằm sát bên bờ sông Phó Đáy, được phù sa bồi đắp nên anh cũng như bao người dân nơi đây canh tác khá thuận lợi, rau màu đều tươi tốt. Nhận thấy thiên thời, địa lợi để trồng rau màu, anh Tuấn quyết định nghỉ việc ở công ty về nhà đầu tư thâm canh nông nghiệp.

Qua nghiên cứu, anh nhận thấy đất ven sông khá phù hợp để trồng ớt, dưa chuột và bí đỏ, anh đầu tư trồng 10 sào ớt, dưa chuột và bí đỏ. Có vụ thu hoạch, anh thu lãi tới gần trăm triệu đồng. Khi có hiệu quả kinh tế khá, anh Tuấn tuyên truyền, vận động một số hộ dân xung quanh cùng trồng. Anh thành lập nhóm cùng sở thích trồng rau màu rồi đứng ra nhận thu mua, tiêu thụ cho nhân dân. Thế nhưng, ban đầu chưa có kinh nghiệm, hầu hết nông sản của gia đình và nhân dân chỉ được mang đi tiêu thụ ở những chợ đầu mối hoặc bán cho tiểu thương nhỏ.

Bởi vậy, khi nông sản của nhân dân sản xuất ra nhiều, anh Tuấn không thể tiêu thụ hết dẫn tới nông sản bị ế ẩm, tồn đọng. Một số hộ trong nhóm cùng sở thích bắt đầu nản, tìm hướng đi mới. Trước khó khăn này, anh Tuấn trăn trở làm gì để đầu ra cho nông sản của nhân dân được ổn định nếu như sản xuất quy mô lớn.

Anh Tuấn trực tiếp đến từng hộ dân để hướng dẫn chăm sóc bí xuất khẩu.

Từ trăn trở trong suy nghĩ, anh Tuấn quyết định đi học hỏi, tìm hiểu kiến thức tại các hợp tác xã, các mô hình liên kết trồng, tiêu thụ rau, quả trong và ngoài tỉnh. Được chính quyền địa phương và một số cơ quan chuyên môn hướng dẫn, giới thiệu, giúp đỡ, anh trực tiếp đến tận một số công ty như Công ty TNHH Dưa leo quê vùng miền ở Bắc Ninh, Nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu của Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc tại cụm công nghiệp Phúc Ứng để tìm hiểu về con đường liên kết tiêu thụ nông sản.

Anh Tuấn nhận thấy, nếu chỉ là nhóm sở thích và tiêu thụ ở các chợ đầu mối và bán lẻ thì sẽ không ổn định, lâu dài, bền vững. Anh quyết định thành lập Hợp tác xã Thành Đạt rồi đi đến nhiều xã liên kết với các hộ nông dân để mở rộng diện tích trồng bí, dưa chuột. Khi kết nối được khâu tiêu thụ với Công ty TNHH Dưa leo quê vùng miền ở Bắc Ninh, Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc tại cụm công nghiệp Phúc Ứng, Hợp tác xã do anh Tuấn làm Giám đốc đã vận động các thành viên trồng thử nghiệm rau A-UK (giống rau xuất khẩu sang Hàn Quốc) để cung cấp cho nhu cầu xuất khẩu của Nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu của Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc.

Người dân thôn Đá Cả chăm sóc dưa chuột để cung cấp cho Hợp tác xã tiêu thụ.

Anh Tuấn chia sẻ: “Mình luôn tin rằng, có nhiều cách để làm giàu nhưng làm giàu ở mảnh đất quê hương là lựa chọn đúng đắn nhất với mình. Tuy vất vả nhưng đổi lại mình thấy vui vì đã mở ra hướng đi mới cho người dân quê mình, con đường nào cũng đòi hỏi phải dám nghĩ, dám làm, không sợ thất bại”.

Làm giàu từ đồng đất quê hương

Hợp tác xã Thành Đạt hiện có 12 thành viên với vùng nguyên liệu trồng rau A - UK, bí đỏ và dưa chuột lên tới 200 ha tại các xã Kháng Nhật, Phúc Ứng, Hào Phú, Đông Lợi, Vân Sơn, Quyết Thắng, Đông Thọ (Sơn Dương) và hai xã Minh Quang, Phúc Sơn (Lâm Bình), trong đó chủ yếu là bí đỏ và dưa chuột, rau A-UK mới trồng thử nghiệm 10 ha tại xã Kháng Nhật. Ở mỗi xã, Hợp tác xã thuê người dân bản địa đứng ra hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hợp tác xã còn cung cấp hạt giống, phân bón cho người dân thực hiện liên kết, ký cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.

Theo tính toán của anh Tuấn, bình quân mỗi năm, hợp tác xã thu 2 vụ bí đỏ, 3 vụ dưa chuột, mỗi vụ dưa chuột bình quân thu hoạch 1 nghìn tấn, mỗi vụ bí đỏ bình quân thu hoạch 800 tấn để cung cấp cho các nhà máy, doanh ng\hiệp mà Hợp tác xã liên kết tiêu thụ. Đối với rau A-UK được trồng từ tháng 9 đến tháng 3 dương lịch hàng năm. Một năm người dân được thu một vụ rau A-UK, mỗi vụ thu hoạch từ 3 đến 4 lứa, bình quân một vụ rau, các hộ thành viên của HTX thu hoạch được 10 tấn rau cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Hiện nay, Hợp tác xã đang thu mua bí đỏ của nhân dân với giá 5.000 đồng/kg, rau với giá 4.500 đồng/kg, dưa chuột với giá 6.000 đồng/kg.

Anh Tuấn giới thiệu về bí xuất khẩu đang vào dịp thu hoạch.

Ông Nông Văn Cảnh, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Đá Cả, xã Phúc Ứng cho biết, thôn Đá Cả hiện có 15 hộ liên kết trồng bí đỏ xuất khẩu với HTX Thành Đạt với diện tích trên 4 ha. Nếu như trước đây, nhân dân chỉ trồng lúa thuần túy thì nay đã thâm canh diện tích đất trồng lúa chuyển sang trồng bí đỏ xuất khẩu. Bình quân mỗi ha bí đỏ, người dân thu 20 tấn, với giá thu mua 5.000 đồng/kg như hiện nay, người dân có thể thu về hàng trăm triệu đồng/ ha, trừ chi phí còn lãi từ 60 đến 70 triệu đồng/ha, cao gấp 2 đến 3 lần trồng lúa và các loại rau màu khác.

Theo đồng chí Trần Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật (Sơn Dương), từ khi HTX Thành Đạt do anh Tuấn làm Giám đốc được thành lập, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã bắt tay trồng thử nghiệm giống rau A-UK xuất khẩu, hiện nay, toàn xã có 13 hộ liên kết với HTX Thành Đạt để trồng loại rau này. Đời sống người dân khi liên kết với hợp tác xã được nâng lên đáng kể, thu nhập cao hơn.

Ông Đỗ Văn Huyền, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật vừa thu hoạch xong một vụ rau A-UK xuất khẩu trên diện tích 3 sào rau cho biết, mỗi vụ rau, gia đình ông thu hoạch 4 lứa, mỗi lứa thu 4 tạ rau, trừ chi phí, mỗi vụ rau gia đình ông Huyền thu từ 15 đến 20 triệu đồng. Ông Huyền cho biết, trước kia khi nghe đến chủ trương liên kết trồng rau xuất khẩu, ông Huyền cũng băn khoăn, do dự lắm. Nhưng được anh Tuấn động viên, ông đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng rau xuất khẩu. Trong suốt quá trình trồng, ông được anh Tuấn trực tiếp đến hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái. Từ chỗ chỉ biết cấy 2 vụ lúa, đến nay, gia đình ông đã cấy thêm một vụ rau xuất khẩu, có thêm thu nhập cải thiện đời sống.

Mô hình liên kết trồng rau, quả xuất khẩu của Hợp tác xã Thành Đạt với người dân các xã trên địa bàn huyện Sơn Dương và Lâm Bình do anh Tuấn làm Giám đốc đang mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Đây thực sự là hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng, khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm, không sợ thất bại của chàng trai thôn Đèo Mon Phạm Văn Tuấn.
 

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục