Làm được thì mới nói được
Ông Bàn Dào Khuyên cười và tự thẹn, hẹn gặp nhà báo mấy lần mà tôi bận việc thôn, việc “hàng tổng” quá nên hôm nay mới ở nhà.
Sinh năm 1966, cái tuổi quá ngũ tuần nhiều người đang quây quần bên con cháu thì ông Khuyên lại thích được vác tù và trên vai. Ông kể, thôn Thôm Luông đa số là người Dao đỏ, toàn thôn hiện có 162 hộ dân thì có đến gần 90% là hộ nghèo. Năm 2005, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, ngày đó bản thân gia đình ông còn nghèo, tự dưng làm cán bộ cũng nhiều lo lắng.
Nhiều đêm suy nghĩ, muốn nói được thì phải làm được, nhà có 5 ha đất đồi chỉ trồng vài ba cây chè từ thời ông cha để lại và cỏ mọc um tùm, ông Khuyên chủ động vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang được 7 triệu đồng để quyết tâm làm giàu. Số tiền ngày đó được ông đầu tư cải tạo đất, trồng lại 2 ha chè Shan tuyết và phủ xanh 3 ha rừng bằng cây mỡ. Ông Khuyên nhớ ngày đó, khi thấy ông trồng rừng, trồng chè, lớp người già đều bảo, mấy cây chè trước hái bán còn chả ai mua, đi trồng nhiều như thế không biết để làm gì, xong đất đai ở thôn nghèo dinh dưỡng thì trồng rừng bao giờ mới lớn…
Bí thư chi bộ Bàn Dào Khuyên.
Sau hơn 2 năm, ông Khuyên được thu tiền từ những lứa chè đầu tiên, ông tự hào lắm, chè ông trồng theo quy trình, chăm sóc đầy đủ nên thương lái ai cũng ưng, hái đến đâu tranh nhau thu mua đến đó. Năm 2007, ông mua thêm 4 con trâu nái, rồi nhân đàn đến hơn gần 20 con. Kinh tế cũng từ đó đi lên, ông Khuyên trở thành tấm gương cho người dân Thôm Luông học tập.
Năm 2007, chính quyền xã Thượng Nông có chủ trương đưa cây đậu tương vào trồng thử nghiệm trên diện tích đất đồi, người dân hào hứng bởi quy trình chăm sóc không quá khắt khe, giá bán ổn định 15.000 đồng/kg và chu kỳ thu hoạch lại ngắn. Với vai trò là Trưởng thôn, ông Khuyên mạnh dạn nhận trồng 5.000 m2 cây đậu tương thử nghiệm, năm đó ông thu về được hơn 6 tạ hạt lứa đầu. Ông kể, năm 2008, toàn thôn Thôm Luông đã trồng 27,5 ha đậu tương, năng suất năm đó đạt gần 40 tấn, ai cũng vui lắm, vì tìm được loài cây thoát nghèo. Nhưng cuối năm đó, nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, diện tích đất trồng đậu tương ở Thôm Luông chủ yếu là đất rừng, bà con phải bỏ đậu tương, nhường lại đất để phủ xanh bằng cây lâm nghiệp.
Loay hoay mãi đến năm 2010, người dân bắt đầu biết đến cây keo lai, ngày đó ai cũng hồ hởi trồng keo. Sẵn là người cẩn thận, ông Khuyên tìm hiểu và biết cây keo không hợp thổ nhưỡng ở vùng đất Thôm Luông này. Nhưng giải thích thì không ai nghe. Năm 2012, toàn thôn đã trồng gần 70 ha keo, cuối năm đó, nhiều gia đình cây keo bị kiến ăn rễ chết hàng loạt, nhiều người chán nản, ông Khuyên đến từng nhà cùng người dân tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách xử lý nhưng không sao khắc phục được.
Tuyến đường bê tông vào khu sản xuất Nà Phầy là niềm tự hào của người dân Thôm Luông cũng ghi nhận sự vận động khéo léo của Bí thư Bàn Dào Khuyên.
Đến năm 2014, gần 70 ha keo năm 3, năm 4 mất trắng, nhà nào nhanh thì vớt vát được phần nào, nhà nào “ngang ngạnh” thì về số 0 tròn chĩnh. Người dân ngày đó nhiều người buồn ra mặt, nhiều người còn định bỏ đi làm ăn xa xứ, nhưng nghe lời ông Khuyên, lúc đó đã là Bí thư chi bộ lại quyết bám trụ làm lại từ đầu.
Chọn đúng cây, con để làm giàu
Rít một điếu thuốc lào, Bí thư chi bộ Bàn Dào Khuyên mở quyển sổ ghi chép nhàu cũ như hồi ký, nét chữ nguệch ngoạc. Cây mỡ, được chọn là cây làm giàu chính ở Thôm Luông. Trong cuốn sổ đó, ông ghi lại chi tiết từng câu chuyện, từng diện tích, từng nhà trồng cây gì, nuôi con gì, hiệu quả ra sao. Ông bảo, từ năm 2015 đến nay, người dân Thôm Luông đã tập trung trồng cây mỡ, chăn nuôi trâu, nhà nào cũng có vài ba héc - ta rừng và ít nhất là 1 đến 2 con trâu, đời sống người dân khấm khá, từ làm kinh tế người dân đã đoàn kết hơn, một nhà có việc cả bản xúm vào.
Cuối năm 2014, Bí thư Khuyên đi khảo sát và đề xuất làm 3 tuyến đường dẫn vào 3 khu sản xuất gồm: Nà Phầy, Thôm Luông, Ngàm Bá. Ngày đó tinh thần người dân “máu lửa” lắm, đã thất bại thì đứng dậy chứ sá gì, mỗi nhà đóng góp từ 1 đến 2 triệu đồng, có nhà không liên quan đến khu sản xuất cũng đóng tiền, toàn thôn đi làm đường, tự mua vật liệu, tự làm, tự nghiệm thu. Dẫn tôi đến nhà ông Triệu Vặn Lụ vừa được thương lái chốt mua đồi cây hơn 3 ha của gia đình, ông Lụ chia sẻ: hồi làm tuyến đường vào khu Nà Phầy, thấy đường vừa bé lại ngoằn ngoèo, với vai trò đảng viên, ông Lụ xung phong hiến luôn nửa quả đồi cho con đường được rộng và thẳng, tính ra cũng ngót 500 m2.
Ngoài trồng rừng, người dân Thôm Luông đã biết đến chăn nuôi trâu, bò.
Câu chuyện làm kinh tế của anh Triệu Văn Tàm, một thanh niên từng có thời gian sa vào sức hút của “nàng tiên nâu” khiến ai cũng ngưỡng mộ. Trong căn nhà thuộc diện hoành tráng nhất nhì trong thôn, anh hồ hởi kể, năm 2006 mình về địa phương, cả thôn mỗi bác Khuyên đến nhà nói chuyện và dạy mình làm kinh tế, khởi đầu với 1 ha rừng nhưng sau vài năm kiên trì, năm 2010, anh Tàm đã có 5 ha rừng, 5 con trâu và vài chục con lợn đen. Kinh tế gia đình anh trở nên khấm khá, nghĩ lại thời “nông cạn của tuổi trẻ” và sự giúp đỡ của ông Khuyên anh thầm cảm ơn và quyết tâm giữ vững danh hiệu làm kinh tế giỏi của gia đình.
Ông Khuyên kể, người dân quê tôi giờ khấm khá dần với kinh tế rừng, lớp thanh niên đã tự đứng lên bằng đôi chân, đi xuất khẩu lao động và tìm việc tại các công ty trong nước. Một số khi đủ kinh nghiệm, đủ vốn lại trở về quê hương làm ăn. Đang nhễ nhại mồ hôi bê từng bao phân hữu cơ bón thúc cho vườn cam, anh Triệu Văn Nhậy kể, anh là lớp thanh niên đầu tiên trở về quê hương để làm kinh tế, anh tận dụng 5.000 m2 đất xen kẽ giữa khoảnh đồi để trồng cam, năm nay cây cam sẽ bói quả, anh tự tin lắm, chắc chắn sẽ thành công.
Với đặc thù là tập trung đông người Dao đỏ, nhưng phong tục hiếu, hỷ nơi đây đang là kiểu mẫu để nhiều địa phương học tập. Bí thư chi bộ Khuyên tâm sự: Mình sẽ cố gắng giúp đỡ người dân thoát khỏi cái đói, cái nghèo, nhưng về tương lai vẫn cần lớp trẻ phải tiên phong xông pha hơn nữa, đưa nhiều mô hình kinh tế mới vào làm thử nghiệm và áp dụng rộng rãi, có như vậy Thôm Luông sẽ dần dần thành thôn khá trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết