Có nghề nghiệp sáng tương lai

- Nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội và gắn với thực tiễn của địa phương.

Đào tạo nghề Điện công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Nghề nghiệp được coi như “chiếc cần câu” để nâng cao thu nhập, thoát nghèo, làm giàu hiệu quả. Có tay nghề, có trình độ được học hành bài bản sẽ tạo cơ hội lớn để xin được việc làm phù hợp và có thể phát triển ngành nghề ngay tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập.

Anh Nông Văn Tiến ở thôn Bản Cuôn, xã Yên Hoa (Na Hang) trước đây không có nghề nghiệp, gia đình dựa vào mấy sào ruộng nên thu nhập bấp bênh. Mấy năm trước, anh được tạo điều kiện tham gia học lớp sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang tổ chức. Anh tranh thủ học tập và sau đó đã quyết định đầu tư mở cửa hàng nhỏ sửa chữa nông cụ tại nhà. Nhờ đó đã đem lại việc làm, thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Tiến cho biết, nếu mình không có nghề nghiệp thì khó có thể bứt lên được, có nghề nghiệp ổn định thì rất tự tin, không làm việc ở xa, mà có thể mở cửa hàng tại nhà. Kinh tế giờ phát triển, thiết bị máy móc sản xuất nông nghiệp nhiều nên không bao giờ lo thất nghiệp.

Sinh viên Nguyễn Tiến Dũng, lớp Cao đẳng Công nghệ ô tô K17 tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang vừa ra trường cách đây hơn 1 tháng nhưng đã xin được việc làm ngay tại một công ty kinh doanh xe ô tô trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập trên 6 triệu đồng trên tháng. Dũng cho biết, trước khi lựa chọn ngành nghề học tập em cũng đã được nhà trường tư vấn và qua tìm hiểu em nhận thấy ngành công nghệ ô tô sẽ rất phát triển trong tình hình hiện nay. Em thấy rằng, hiện nay nhu cầu việc làm dành cho người lao động có tay nghề kỹ thuật cao là rất lớn, do vậy em nghĩ mỗi học sinh sau khi học xong hãy chọn cho mình một ngành nghề phù hợp để học tập, đừng vội đi làm ngay.

Từ nhu cầu của xã hội và tình hình thực tế của địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mở các mã ngành đào tạo phù hợp, đặc biệt là các lớp dạy nghề ngắn ngày dành cho lao động nông thôn đã được mở ngay tại các xã gắn với thế mạnh của từng địa phương. Điển hình như huyện Na Hang mở các lớp dạy nghề về sửa chữa máy nông nghiệp, nuôi thủy sản, trồng chè đặc sản; huyện Lâm Bình mở các lớp về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển du lịch cộng đồng; huyện Sơn Dương liên kết mở các lớp về nghề may mặc, sản xuất giày da cung ứng cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn... Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 224/KH-UBND của UBND tỉnh về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022 - 2025.

Người dân xã Hồng Thái (Na Hang) tham gia lớp tập huấn về phát triển dịch vụ du lịch.

Ông Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa cho biết, trước khi mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trung tâm đã tiến hành khảo sát nhu cầu và phối hợp với các xã thị trấn đào tạo ngành nghề gắn với tình hình thực tiễn của địa phương. Qua đó để các học viên học xong phát huy hiệu quả nghề đã học đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, đơn vị đào tạo nghề trọng điểm của tỉnh trong thời gian qua nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường. Hiện nay, nhà trường có cam kết trong tuyển sinh và giới thiệu việc làm cho 100% học sinh, sinh viên sau khi ra trường. Theo thống kê của nhà trường, số học viên, sinh viên có việc làm trong vòng 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp đạt trên 84% với mức thu nhập trung bình từ 6 đến 15 triệu đồng/tháng. Tiêu biểu có những ngành nghề như: công nghệ ô tô, kế toán doanh nghiệp, vừa qua, tỷ lệ sinh viên xin được việc làm sau hơn 1 tháng sinh viên ra trường đạt trên 92%.

Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và các chương trình khác cho ít nhất 8.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Tuyên Quang đạt trên 67%. Để thực hiện mục tiêu này cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng dạy nghề, tập trung mọi nguồn lực và lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hiện hành của nhà nước và địa phương để ưu tiên tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động tại các xã xây dựng nông thôn mới, lao động di dân tái định cư, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động là người tàn tật, người dân tộc thiểu số... Đồng thời chú trọng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, giải quyết việc làm.

Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cần được triển khai linh hoạt, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc thù của từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, mở ra cơ hội việc làm bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục