Từ 41 hồ sơ được lựa chọn qua vòng sơ khảo, Hội đồng giám khảo đã chấm qua 2 vòng và lựa chọn 10 đề cử chính thức trên 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội.
Hội đồng giám khảo (HĐGK) gồm nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm Chủ tịch, cùng các thành viên: nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Ngô Hà Thái - nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN; GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính và nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa.
Theo thông lệ của giải, riêng Giải thưởng Lớn chỉ có duy nhất 1 đề cử và sẽ được giữ kín đến lễ trao giải.
Hạng mục Tác phẩm gồm 3 đề cử: Tập sách ảnh “Hanoi Hanoi” bằng 3 ngôn ngữ Việt-Anh-Italy của hai tác giả Minh Phạm (người Mỹ gốc Việt) và Paola Boncompagni (Italy). Cuốn sách được NXB Thế giới phát hành, là tập hợp những góc nhìn độc đáo về Hà Nội được Minh Phạm chụp bằng iPhone năm 2016 và được Paola Boncompagni - nhà báo, nhà sản xuất phim tài liệu người Italy - chọn ảnh dịch và chú thích bằng tiếng Italy.
Đề cử thứ hai là cuốn “Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời” của Vũ Thế Long (NXB Hội Nhà Văn - Chibooks phát hành). Cuốn sách không chỉ là những câu chuyện đời thường về chuyện ăn uống được viết từ trải nghiệm của chính tác giả mà còn là dòng hồi tưởng “tương tư về Hà Nội” của một thời đã qua. Từ chuyện ăn uống sang chuyện ứng xử, tác giả dẫn dắt người đọc khám phá “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội bằng lăng kính rất “đời” của một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong thế kỷ 20 đầy biến động.
Đề cử còn lại là sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” (NXB Thế giới) của Nguyễn Thị Thu Hòa, do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội ấn hành. Đây là kết quả của dự án Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng do nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội chủ trì.
Ở hạng mục Việc làm có 3 đề cử: Dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài" được triển khai tại quận Hoàn Kiếm từ tháng 4. Đây là dự án nằm trong Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2022-2025 giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France (Pháp), sẽ trùng tu theo đúng các nguyên tắc và phương pháp đang được áp dụng tại Pháp để làm dự án trùng tu kiểu mẫu cho các dự án tương tự đối với các công trình thời Pháp khác trên địa bàn Hà Nội.
Đề cử thứ 2 là "Bốn mươi năm xây dựng, giữ gìn, phát triển Hội thơ làng Chùa" (tức làng Hoàng Dương, thuộc xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội). Tao đàn thơ làng Chùa đã có hơn 100 năm. Năm 1954, cụ Hàn Thịnh là người có công lớn trong việc lập lại tao đàn thơ làng Chùa. Sau một thời gian gián đoạn do điều kiện lịch sử, ngày 20/8/1982, Hội thơ làng Chùa được tái lập với 40 hội viên, và đến nay nhiều nhà thơ nổi tiếng đã trở thành những công dân, hội viên danh dự Hội thơ làng Chùa.
Đề cử thứ 3 là dự án "Trùng tu, tôn tạo, bảo tồn Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao".
Ở hạng mục Ý tưởng, có 3 đề cử. Đề cử đầu tiên là Đề xuất dỡ bỏ hàng rào Công viên Thống Nhất, tạo không gian “mở” kết nối với xung quanh. Đây là nội dung nằm trong Kế hoạch nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 của UBND TP Hà Nội.
Đề cử thứ 2 là Dự án thí điểm 200 điểm cho thuê xe đạp công cộng và nghiên cứu xây dựng làn đường riêng cho xe đạp. Theo ý tưởng này, vào quý IV/2022 tới đây, người dân Hà Nội sẽ được trải nghiệm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng với 2.000 xe tại 200 điểm trạm thí điểm cho thuê xe, trải khắp 7 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Đây là dự án thí điểm sử dụng 100% vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.
Đề cử thứ 3 là Nghiên cứu "biến" bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Hà Nội. Đây là ý tưởng đang được UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nghiên cứu. Theo đó, bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng sẽ được cải tạo thành công viên văn hóa du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đồng thời tạo điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách
Từ các đề cử này, Hội đồng giám khảo sẽ chọn trao các giải thưởng chính thức trên 4 hạng mục và công bố tại Lễ trao giải (được tổ chức vào đầu tháng 10/2022 tới tại Hà Nội).
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.
Trải qua 14 mùa giải, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã tôn vinh 13 nghệ sĩ, nhà văn hóa tiêu biểu ở hạng mục Giải thưởng Lớn; gần 150 đề cử giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm với gần 50 giải được trao. Bước sang mùa giải thứ 15, BTC sẽ tổ chức triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh "Hà Nội mát xanh" trong khuôn khổ của Lễ trao giải.
Gửi phản hồi
In bài viết