Mặc dù đã có nhiều vở diễn dành cho giới trẻ trong nhiều năm qua, nhưng đây là lần đầu Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam dựng một vở nhạc kịch đề cập những vấn đề của các bạn trẻ tuổi teen. Nội dung chuyện kịch Rồi tôi sẽ lớn cũng không quá phức tạp, chỉ xoay quanh một nhóm cô cậu học trò, trong đó đi sâu khai thác các yếu tố tâm lý, tình cảm, ước mơ và cả những mâu thuẫn đời sống của các bạn trẻ trong gia đình, nhà trường và cả bên ngoài xã hội.
Có người sinh ra, lớn lên được bao bọc, chiều chuộng và sớm được bố mẹ định hình cho bước đường phát triển sau này, thậm chí cả về hình thể với đủ thứ tập tành. Có những người thì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ phải bươn chải mưu sinh, vất vả kiếm tiền lo cho con cái ăn học. Ba cô cậu cùng ba gia đình trong vở diễn là những thân phận và hoàn cảnh không ai giống ai, nhưng gặp nhau ở một điểm chung là những khủng hoảng tâm lý của tuổi mới lớn, nỗi mặc cảm, cô đơn và sự “nổi loạn” phản kháng trước các áp đặt trong lối nghĩ cũng như hành động của cha mẹ, cho dù họ có xuất phát từ tình yêu thương.
Theo tác giả kịch bản-nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú, một chuyên gia về tâm lý học đường với bút danh Chánh Văn trên báo chí, những nhân vật của anh trong vở nhạc kịch đều đang ở độ tuổi bản lề quan trọng và vô cùng nhạy cảm với nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Họ đang dần trưởng thành trong nhận thức từ trẻ con sang người lớn để định hình nhân cách và rất cần sự cận kề, đồng hành của các bậc cha, mẹ cũng như người thân trong gia đình. Sự thiếu đồng cảm và chia sẻ sẽ khiến những đứa trẻ trưởng thành trong đơn độc không phải vì cha mẹ không quan tâm mà còn bởi họ không hiểu con mình.
Cũng vì thế, mối quan hệ cha mẹ và con cái ở không ít gia đình bị đứt gãy, có những khoảng cách khi con bước vào tuổi dậy thì. Trong vở diễn Rồi tôi sẽ lớn, mối đứt gãy và khoảng cách ấy được hàn gắn, xích lại với nhau khi có những cầu nối tình thân giúp các bạn trẻ có điều kiện và môi trường được mở lòng với cha mẹ họ. Vở diễn hướng tới hóa giải những mâu thuẫn cha mẹ-con cái qua sự quan tâm, thấu hiểu nhau và sâu xa hơn như tác giả mong muốn để khán giả là các bậc cha mẹ “Nhìn cây sửa đất-nhìn con sửa mình”, học hiểu con rồi mới biết thương con cho đúng, giúp vòng tròn gắn kết trong mỗi mái ấm gia đình thêm phần tròn vẹn.
Nhắm tới đối tượng khán giả trẻ ở lứa tuổi mới lớn, đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Lê Ánh Tuyết đã đưa vào vở diễn nhiều yếu tố hiện đại, chân thực và sinh động, phù hợp giới trẻ học đường với âm nhạc và vũ điệu sôi động, thể hiện tâm trạng nhân vật trong từng cảnh diễn. Sân khấu được thiết kế đơn giản với những khối nhà cách điệu xoay chuyển tạo thành những không gian vui tươi, tràn ngập sắc màu và thân quen như đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Để tăng sức hấp dẫn, lôi cuốn khán giả tuổi teen đến với vở diễn, đạo diễn đã bổ sung, gắn kết vào chuyện kịch những yếu tố “thời thượng” của lứa tuổi qua âm nhạc, ngôn ngữ và cả cuộc sống học đường để khi xem các em có thể cảm nhận sự gần gũi, như thấy mình trong đó. Về hình thức thì như vậy, nhưng trong từng hành động kịch và động tác vũ đạo đều có những ẩn dụ, mang ý nghĩa chuyển tải thông điệp đối với các đối tượng khán giả cần hướng đến.
Ra mắt vở nhạc kịch Rồi tôi sẽ lớn, tập thể dàn dựng và các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của các bạn trẻ, lan tỏa tình yêu sân khấu với học đường, đồng thời thu hút được cả các bậc cha mẹ và trở thành vở diễn yêu thích của thành viên trong mỗi gia đình khi tìm thấy ở đó những giá trị cũng như bài học cho chính mình.
Gửi phản hồi
In bài viết