Cơ hội từ chuyển đổi số
Những công dân số là những người lái con tàu 4.0, là chìa khóa mở những “nút thắt” trên hành trình chuyển đổi số ở 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Những ngày giáp Tết, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, kinh doanh đồ điện gia dụng trên đường Quang Trung, tổ 17, phường Tân Quang dẫu rất nhiều đơn hàng nhưng không quá tất bật. Chị Hiền bảo, trước đây chưa ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh thì bận rộn lắm. Khách đến mua hàng nguyên đếm tiền thôi đã mất rất nhiều thời gian rồi. Nhưng nay thì khác, khách hàng chỉ cần chọn ngân hàng trên điện thoại rồi quét mã QR là hoàn thành việc thanh toán rồi. Rồi khách hàng ở xa, mua hàng trực tuyến đều chuyển khoản cả, rất là tiện lợi. Mọi năm, cứ đến Tết là “đứt hơi” nhưng giờ được hỗ trợ công nghệ số, con người được giải phóng sức lao động, loại bỏ những sự vụ lặt vặt, thuận lợi hơn rất nhiều. Đây thực sự là cơ hội tốt cho người kinh doanh tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng doanh thu.
Đối với ngành Giáo dục, cuộc cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội để đào tạo nguồn “nhân lực số”, “công dân số” cho tương lai. Ngành tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; các cơ sở giáo dục sử dụng đồng bộ các phần mềm quản lý, dạy - học; tất cả máy tính phục vụ nhiệm vụ chuyên môn có kết nối internet. Việc ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy giúp nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
Người dân có thói quen tiêu dùng thông minh khi thanh toán tiền mua hàng qua ứng dụng quét mã QR Code tại cửa hàng Nhóc & Mom, đường Bình Thuận (TP Tuyên Quang).
Cô giáo Trần Thị Mai Lan, dạy môn Tiếng Anh, trường THPT Tân Trào (TP Tuyên Quang) chia sẻ, ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy giúp học sinh tiếp cận bài giảng sinh động hơn, giáo viên có nhiều cơ hội tìm hiểu kiến thức phục vụ bài giảng. Đặc biệt, thời gian vừa qua, dịch dã kéo dài, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến, đòi hỏi giáo viên phải nắm được công nghệ, quản lý phần mềm tổ chức giảng dạy hiệu quả. Nhờ đó, học sinh dừng đến trường nhưng không dừng việc học, hoàn thành chương trình học tập của năm học đã đề ra. Đây là thắng lợi lớn từ chuyển đổi số.
Gần Tết, các chủ homestay tại huyện vùng cao Lâm Bình đang tất bật dọn dẹp chào đón khách đến du xuân. Anh Chẩu Thanh Ngà, một thành viên trong nhóm Homestay Tài Ngào chia sẻ, để quảng bá hình ảnh về homestay của mình đến du khách, nhóm thường xuyên đăng tải hình ảnh lên Facebook, Zalo và các trang chuyên về quảng bá du lịch như https://leadtour.vn https://leadtravel.vn... Đồng thời, tích cực tham gia các diễn đàn về du lịch, tập huấn các khóa học chụp ảnh, livestream. Việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá hình ảnh đã giúp nhiều du khách biết đến Homestay Tài Ngào và mở ra nhiều cơ hội hơn. Hiện, homestay đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón khách trong và ngoài nước đến du lịch nghỉ dưỡng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Những nông dân thời công nghệ
Nông dân thông minh sẽ là chủ thể của nền nông nghiệp thông minh. Bên cạnh sự tham gia từ phía các doanh nghiệp lớn để hình thành các vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao, những người nông dân cũng đang dần thay đổi cách thức, tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ để hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững hơn.
Gắn bó với cây chanh đã 7 năm, nhưng mới đây, khi sản phẩm chanh của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Bắc, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) được dán tem truy xuất nguồn gốc, Giám đốc Khổng Văn Nam mới hiểu hết tác dụng của chiếc tem nhỏ bé này. Anh bảo, lâu nay, sản phẩm của hợp tác xã chỉ được xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng càng ngày, con đường này càng hẹp lại, gập ghềnh hơn, do thị trường nước bạn khá bấp bênh.
Ngân hàng LienVietPostBank Tuyên Quang ứng dụng các công nghệ mới để tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Hợp tác xã bắt đầu nghĩ đến việc chinh phục thị trường trong nước và tìm đường vào siêu thị. Khi sản phẩm được dán tem, người mua hàng quét mã vạch qua điện thoại thông minh có thể tra cứu được toàn bộ thông tin của sản phẩm, từ cơ sở sản xuất, ngày gieo trồng, quy trình chăm sóc, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, ngày cách ly, ngày thu hoạch… Anh Nam bảo, đây là bước đầu tiên để anh thực hiện mục tiêu đưa tất cả mọi thông tin công khai trên mạng Internet.
Hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về đưa sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã chủ động học hỏi, tiếp cận công nghệ số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử thành công. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) Nguyễn Công Sử là một trong số đó.
Ông Sử cho biết: “Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, các kênh bán hàng truyền thống bị ảnh hưởng, hợp tác xã đã chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, voso.vn và các nền tảng Facebook, Zalo… Bản thân tôi đã tự học hỏi các kỹ năng chụp ảnh, quay video, giới thiệu sản phẩm và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. Nhờ bán hàng qua các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội mà các sản phẩm Chè Ngọc Thúy, chè Phú Lâm của hợp tác xã bán rất chạy, số đơn hàng tăng khoảng 50% - 80% so với bán hàng truyền thống”.
Từ chuyển đổi số hình thành nên những công dân số mở ra sự phát triển mạnh mẽ cho quê hương, đất nước trong mùa xuân mới.
Gửi phản hồi
In bài viết