Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm như: một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chưa nêu cao tinh thần trách nhiện, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Điều đáng buồn là nhiều vụ việc tiêu cực không được phát hiện qua sinh hoạt, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, mà là do nhân dân, báo chí phát hiện. Điều này cũng nói lên sự suy thoái, suy thoái do nể nang, né tránh, xuôi chiều hoặc không dám nói lên sự thật.
Những biểu hiện tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân đang làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Thực trạng này đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra giải pháp khắc phục, nếu né tránh, che giấu nó, thì tổ chức đảng sẽ suy yếu, cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên sẽ không đạt được kết quả. Bởi vì, hầu hết các trường hợp tham nhũng, tiêu cực là cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên này làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, đây chính là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Dân chỉ tin Đảng khi Đảng vì Dân, “ý Đảng hợp với lòng Dân”. Ở đâu cán bộ, đảng viên suy thoái thì ở đó niềm tin của Dân với Đảng bị giảm sút, đó là quy luật.
Nhân dân luôn kỳ vọng vào Đảng, nhân dân luôn mong muốn mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự chí công vô tư để Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng “là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân” như lời dạy của Bác Hồ.
Một trong những giải pháp có tính chất quyết định nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tiêu cực, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng đó là phải “đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có yếu nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”, như Kết luận Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khẳng định.
Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta phải “Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”. Phải làm cho mỗi “cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm” (Kết luận số 21-KL/TW, Kết luận Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII).
Gửi phản hồi
In bài viết