Con mèo trong văn hóa người Việt

- Mèo là con vật gần gũi, được nuôi trong các gia đình và trở thành thú cưng luôn được yêu thương, chiều chuộng. Mỗi dân tộc trên thế giới trong quá trình hình thành và phát triển, đều đã từng trải qua sự sùng bái vật tổ trong thời kỳ xã hội nguyên thủy. Nếu chúng ta thừa nhận văn hóa 12 con giáp có liên hệ tới tín ngưỡng của những người nguyên thủy, thì mỗi quốc gia, dù ít dù nhiều cũng có nền văn hóa 12 con giáp của riêng mình.

Hệ 12 con giáp ở Việt Nam gần giống với hệ 12 con giáp của Trung Quốc, chỉ khác là con thỏ được thay thế bằng con mèo. Có nhà nghiên cứu cho rằng: Điều này có được là do trong quá trình truyền bá văn hóa, biểu tượng của Địa chi (Trung Quốc) có cách đọc là “mảo” (nghĩa là thỏ) đồng âm với “mao” (nghĩa là mèo) nên mới có sự khác biệt như vậy.

Trong 12 con giáp của Việt Nam, có bảy con vật được thuần dưỡng từ lâu đời và đã trở thành vật nuôi trong nhà (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn). Con mèo tuy không phải là vật nuôi mang lợi ích kinh tế, nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên vẫn được con người yêu quý.

Trong chu kỳ lịch pháp, con mèo được giao quản năm Mão, tháng 2 và từ 5 - 7 giờ của buổi bình minh. Từ giờ Mão, phương Đông nhuốm hồng ánh dương rồi tỏa lên bầu trời những tia sáng đẹp. Vào tháng 2 - tháng Mão, khí trời bắt đầu ấm, mưa bụi bay nhè nhẹ, cây cối nảy lộc đâm chồi. Vì thế, Mão trong ngũ hành được gắn với mùa xuân, thuộc hành Mộc, hàm ý dương khí bắt đầu thịnh, vạn vật sáng tươi.

Minh họa: Bích Ngọc

Trong con mắt người đời, con mèo lại có một cuộc sống hai mặt: là kẻ trưởng giả an nhàn nằm dài trên chiếc gối nệm, hiền lành dụi thân hình mềm mại khi được con người ve vuốt và là tên sát thủ đáng gờm trong góc nhà. Thế nhưng chỉ họa hoằn lắm con người mới thấy được khía cạnh sát thủ của mèo khi nó tha con chuột, còn bình thường, nó chỉ là một chú mèo hiền lành, hơi lười nhác.

Mèo là một loài vật ăn thịt nhưng có ích, nó diệt chuột phá hoại mùa màng, bảo vệ sự no ấm của con người. Ấy vậy mà hiện nay, những con mèo tội nghiệp vẫn bị đưa vào quán đặc sản “tiểu hổ” nên vắng bóng hẳn đi, làm cân bằng sinh thái bị phá vỡ, chuột tự do hoành hành.

Mèo có thể đã được tổ tiên ta thuần hóa từ lâu, vì Việt Nam vốn thuộc nền văn minh lúa nước, nên con mèo cũng rất quý và cần thiết như con chó chăn cừu của người du mục, thế nhưng suốt cả thời tiền sử và sơ sử, mặc dù đã tìm thấy tượng của nhiều loài vật nuôi, nhưng hình như chưa hề thấy tượng con mèo.

Ở Việt Nam, từ khi các dòng tranh dân gian ra đời thì hình ảnh con mèo mới có dịp đi vào văn hóa nghệ thuật. Trong tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Đây cũng là một lối ứng xử hay của xã hội tiểu nông. Thế nhưng hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Tết Đông Hồ, mà người nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục - Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang - Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.

Ý nghĩa hình tượng mèo trong văn hóa dân gian gắn liền với sự nhanh nhẹn, thông minh và cũng vô cùng thân thuộc. Ngày nay, rất nhiều người ưa chuộng bài trí tượng Mèo trong nhà để tăng cát khí cho gia chủ đồng thời hút thêm may mắn, tài lộc.

Nuyệt Hằng

Tin cùng chuyên mục