Cuộc thi tạo đợt sinh hoạt văn hóa tại các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, thi đua lập thành tích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam; kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2023); kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023); thực hiện Chương trình công tác của Ban Chấp hành khóa XI và Kế hoạch hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Cuộc thi Tiếng hát người làm báo mở rộng được tổ chức hằng năm nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tài năng và bản sắc nghề nghiệp, tăng cường hiểu biết giữa những người làm báo, góp phần thắt chặt thêm tình đồng nghiệp, học hỏi và hỗ trợ nhau trong công việc, tăng chất lượng hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ người làm báo Việt Nam.
Hình ảnh cuộc thi Tiếng hát người làm báo mở rộng năm 2018.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 2 năm qua, nhiều hoạt động của Hội Nhà báo phải dừng hoạt động để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Sau khi dịch được kiểm soát, nhiều hoạt động thường niên được tổ chức lại, trong đó có cuộc thi Tiếng hát người làm báo mở rộng. Năm nay, cuộc thi tổ chức với nhiều đổi mới để mang tới sức hấp dẫn, hiệu quả, tạo sân chơi nghệ thuật bổ ích cho những người làm báo.
Theo Ban tổ chức, đối tượng tham gia cuộc thi là các nhà báo, hội viên Hội Nhà báo; cán bộ, nhân viên hiện công tác tại các cơ quan báo chí, các cấp hội, các đơn vị quản lý báo chí. Bên cạnh đó, điểm mới của cuộc thi năm nay là mở rộng thêm các đối tượng dự thi là sinh viên đang học tại các cơ sở đào tạo báo chí; sinh viên ngành báo chí, phát thanh - truyền hình tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Mỗi cấp Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, liên chi hội nhà báo chọn tối đa 3 tiết mục (riêng Hội Nhà báo thành phố Hà Nội và Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh chọn tối đa 5 tiết mục); mỗi chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội chọn 1 tiết mục, trường hợp chi hội có trên 50 hội viên có thể chọn tối đa 2 tiết mục.
Các tiết mục dự thi tập trung vào chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu con người, tình yêu quê hương, đất nước và truyền thống hào hùng của dân tộc ta.
Ban tổ chức khuyến khích các tiết mục tự dàn dựng, đầu tư công phu, các tiết mục sáng tác hưởng ứng việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các sáng tác có chủ đề về nghề báo và người làm báo.
Các đơn vị đăng ký phần biểu diễn năng khiếu như: Đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, hợp xướng, độc tấu nhạc cụ, hát múa tổng hợp... thể hiện sự năng động, sáng tạo, vui tươi, hấp dẫn trong hoạt động nghề nghiệp cũng như trong đời thường của những người làm báo.
Năm nay, Ban tổ chức không tổ chức các vòng bán kết khu vực, thay vào đó sẽ tổ chức vòng sơ loại trực tuyến. Thí sinh dự thi sẽ gửi bản thu âm để Ban Giám khảo kiểm duyệt và lựa chọn. Các thí sinh được chọn vào vòng chung kết sẽ được mời dự tập huấn tại Hà Nội trước thời điểm diễn ra vòng chung kết.
Trưởng ban Giám khảo, nhạc sĩ Đức Trịnh khẳng định, Ban Giám khảo sẽ yêu cầu các thí sinh gửi bản hát mộc có ghi hình video kèm theo để bảo đảm việc chấm vòng sơ khảo diễn ra khách quan, tránh việc để lọt thí sinh kém chất lượng.
Ban Giám khảo sẽ chọn 15 tiết mục tham dự vòng chung kết. Dự kiến, chung kết cuộc thi sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, khai mạc vào trung tuần tháng 3-2023 tại Hà Nội.
Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 35 triệu đồng; 2 giải Nhì, mỗi giải 25 triệu đồng; 3 giải Ba, mỗi giải 20 triệu đồng; 5 giải Khuyến khích, mỗi giải 15 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ trao các giải phụ: Tiết mục ấn tượng, dàn dựng công phu; Thí sinh được khán giả yêu thích; Giọng hát trẻ triển vọng; Đơn vị có nhiều tiết mục vào chung kết.
Gửi phản hồi
In bài viết