Từ nhiều năm qua, đạo diễn Lê Quý Dương, Chủ tịch Diễn đàn Festival quốc tế, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới luôn ấp ủ ý tưởng xây dựng và định hình những festival, lễ hội, sản phẩm văn hóa, di sản, nghệ thuật và du lịch đặc trưng độc đáo cho từng địa phương, từng vùng, miền của Việt Nam, nhằm tạo nên một bản đồ quy hoạch chiến lược về bảo tồn, khai thác và phát triển hệ thống các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật và du lịch trên phạm vi cả nước.
Theo ông, việc dàn dựng các festival di sản chính là một trong những hình thức bảo tồn, phát huy, đưa di sản vào cuộc sống một cách thiết thực nhất, góp phần phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch.
Thực tế việc bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị di sản lịch sử, văn hóa và nghệ thuật hiện đang có các phương pháp tiếp cận, ứng xử khác nhau, nhưng nhìn chung là theo ba hướng cơ bản, phù hợp hoàn cảnh, địa điểm cũng như thời điểm. Đó là bảo tồn di sản nguyên gốc ở ngay chính không gian, điều kiện nơi di sản đó đã sinh ra và định hình hoặc làm mới và ứng dụng di sản vào đời sống bằng việc một mặt vẫn giữ nguyên các giá trị cốt lõi của di sản, mặt khác đặt các giá trị đó trong những không gian mới với các công nghệ mới để đưa di sản tiếp cận được với đời sống hiện đại.
Thứ ba là sáng tạo, làm mới di sản bằng việc kế thừa các tinh hoa và kết hợp yếu tố độc đáo của các di sản khác nhau để thử nghiệm, sáng tạo theo những nội dung, hình thức và mục đích mới. Với kinh nghiệm của một đạo diễn từng dàn dựng nhiều chương trình lễ hội, festival mang tầm quốc gia, quốc tế, đạo diễn Lê Quý Dương chú trọng hướng dàn dựng các lễ hội, festival giữ gìn các giá trị nguyên bản của di sản, thể hiện được bản sắc của địa phương.
Festival Tràng An kết nối di sản-Ninh Bình năm 2022 sẽ kết hợp giá trị của các di sản vùng, miền trong cả nước, góp phần tôn vinh những giá trị vốn có của Ninh Bình. Mỗi tiết mục được giới thiệu trong chương trình, từ đêm khai mạc, bế mạc, lễ hội đường phố, đại nhạc hội di sản và không gian triển lãm di sản của Ninh Bình và các tỉnh, thành phố tham dự đều giữ tính nguyên bản độc đáo vùng, miền trên nền sáng tạo dàn dựng tôn vinh và tô điểm các giá trị di sản.
Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, trong lễ khai mạc khán giả sẽ được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc của nhiều địa phương như: chèo, xẩm, trình diễn trống nhảy Kim Sơn (Ninh Bình), múa rối nước Thăng Long (Hà Nội), múa rối cạn (Hải Phòng), quan họ Bắc Ninh, hát chầu văn (Hà Nam, Nam Định), trò Xuân Phả (Thanh Hóa), dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, múa cung đình “Lục cúng Hoa Đăng” (Huế), tái hiện di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và đờn ca tài tử Nam Bộ...
Một trong những điểm nhấn trong lễ khai mạc là phần trình diễn trang phục dân tộc của 71 người đẹp tham gia vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 diễn ra tại Việt Nam. Tham gia lễ hội đường phố sẽ có 26 đoàn nghệ thuật của các địa phương cùng nhiều hoạt động biểu diễn sôi động như: múa rồng, múa lân, biểu diễn cồng chiêng, biểu diễn hoạt cảnh “Cờ lau tập trận”, hát xẩm, nghệ thuật trống nhảy, hát múa Ải Lao, khèn Lào...
Là người trực tiếp tham gia xây dựng ý tưởng, hỗ trợ ê-kíp dàn dựng Festival Tràng An kết nối di sản-Ninh Bình năm 2022, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Ninh Bình luôn ý thức sâu sắc về giá trị to lớn của tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô, cho nên đã lấy di sản văn hóa làm cốt lõi để xây dựng ý tưởng cũng như cách thức tổ chức Festival để đây thật sự là nơi hội tụ, giao lưu, trao truyền và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa của quốc gia, nhân loại, định hình một Festival di sản quốc gia và trở thành một thương hiệu văn hóa du lịch đặc sắc của Ninh Bình.
Gửi phản hồi
In bài viết