Bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển Tuyên Quang

- Theo các thư tịch cổ, ngay từ buổi đầu các Vua Hùng dựng nước, vùng đất Tuyên Quang nằm trong bộ Vũ Định của nhà nước Văn Lang. Là vùng đất cổ, “luôn luôn là phên dậu của Trung châu, cũng là nơi địa đầu quan yếu” của Tổ quốc, Tuyên Quang là một đơn vị hành chính được xác lập từ rất sớm.

Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Mỏ Than - tổ chức Đảng đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. 

Thời Lý, địa danh Tuyên Quang chưa xuất hiện nhưng trong 24 châu, lộ của cả nước đã xuất hiện một số châu mà địa bàn các châu ấy thuộc tỉnh Tuyên Quang ngày nay, như châu Vị Long (huyện Chiêm Hóa) và châu Đô Kim (huyện Hàm Yên).

Đầu thời Trần, địa danh Tuyên Quang xuất hiện với tư cách là một châu thuộc lộ Quốc Oai, sau đó được nâng lên thành lộ Tuyên Quang. Năm Quang Thái thứ 10 (1397), sau cải cách chính của Hồ Quý Ly, lộ Tuyên Quang được đặt làm trấn gồm các huyện: Khoáng, Đương Đạo, Văn Yên (An), Bình Nguyên. Thu Vật, Đại Man, Dương, Át và Đáy Giang. 

Thời Lê, Tuyên Quang có nhiều sự thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính. Năm 1428 cả nước được chia làm 5 đạo: Nam đạo, Bắc đạo, Đông đạo, Tây đạo, Hải Tây đạo. Trấn Tuyên Quang cùng với các trấn Tam Giang, Hưng Hóa, Gia Hưng thuộc Tây đạo.
Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), cả nước được chia làm 12 đạo thừa tuyên, trong đó có đạo thừa tuyên Tuyên Quang.

Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), triều đình nhà Lê cho định bản đồ của Trung đô và 12 thừa tuyên trong nước. Thừa tuyên Tuyên Quang có 1 phủ, 1 huyện và 5 châu: phủ Yên Bình, huyện Phúc Yên, châu Thu Vật, châu Lục Yên, châu Đại Man, châu Bình Nguyên, châu Bảo Lạc.

Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), thừa tuyên Tuyên Quang đổi thành xứ Tuyên Quang.

Thời Lê Trung Hưng (từ năm 1533 về sau), Gia Quốc Công Vũ Văn Mật được triều đình cho giữ quyền cai quản trấn Tuyên Quang, từ đó, họ Vũ cha truyền con nối được năm đời. Đến năm 1672, Vũ Công Tuấn làm phản chống lại triều đình. Sau khi đã diệt được Công Tuấn, năm 1689, triều đình lại gộp hai trấn Hưng Hóa và Tuyên Quang làm một gọi là Tuyên Hưng. Năm 1713, lại chia thành hai trấn Tuyên Quang và Hưng Hóa.

Năm 1802, triều Nguyễn được thiết lập. Tuyên Quang là một trấn, đứng đầu trấn có chức Trấn thủ và các chức Hiệp trấn, tham hiệp giúp việc. Trấn Tuyên Quang có 01 phủ là Yên Bình, huyện là Phúc Yên và 5 châu là Đại Man, Thu Vật, Vị Xuyên, Là Lạc, Lục Yên.
Năm 1831, vua Minh Mệnh tiến hành cải cách bộ máy hành chính toàn quốc, chia định địa hạt từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn Tây, Quảng Yên, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Kinh sư (Huế), Bình Định, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa. Thời điểm này được ghi chép trong Đại Nam thực lục chính biên: “...Tân Mão, năm Minh Mệnh thứ 12, mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1 làm lễ Đông hưởng...”. Đối chiếu theo dương lịch và âm lịch thì tháng 10 âm lịch năm Tân Mão đổi ra dương lịch bắt đầu từ ngày 04-11-1831 đến ngày 03-12-1831.

Tỉnh Tuyên Quang lúc đó có 1 phủ, 1 huyện và 5 châu, gồm: phủ Yên Bình; huyện Hàm Yên, châu Vị Xuyên (gồm toàn bộ tỉnh Hà Giang hiện nay), châu Thu Vật (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái hiện nay), châu Đại Man (huyện Chiêm Hóa và huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang hiện nay), châu Lục Yên (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái hiện nay), châu Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng hiện nay), về địa giới hành chính, tỉnh Tuyên Quang phía bắc giáp tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng và Thái Nguyên, phía Nam giáp Sơn Tây và Hưng Hóa, phía Tây giáp Lào Cai.

Như vậy, tên gọi Tuyên Quang xuất hiện từ thời Trần và tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, trước năm 1831, Tuyên Quang chưa được gọi là tỉnh mà gọi là châu, trấn, thừa tuyên, xứ... Từ năm 1831, Tuyên Quang mới chính thức trở thành một tỉnh trực thuộc triều đình phong kiến Việt Nam.

Năm 1833, châu Bảo Lạc được chia làm 2 huyện Vĩnh Điện và Để Định; châu Vị Xuyên chia làm 2 huyện Vĩnh Tuy và Vị Xuyên; đổi châu Đại Man làm châu Chiêm Hóa, đặt thêm phủ Yên Ninh. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), đổi phủ Yên Ninh thành phủ Tương Yên.

Tháng 5-1884, thực dân Pháp đánh chiếm Tuyên Quang; từ đây tỉnh Tuyên Quang đặt dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Trong thời kỳ Pháp thống trị, địa bàn tỉnh Tuyên Quang luôn có sự thay đổi. Năm 1888, thực dân Pháp sáp nhập phủ Đoan Hùng (gồm các huyện Ngọc Quang, Hùng Quan và Sơn Dương) tách ra khỏi Sơn Tây để nhập vào tỉnh Tuyên Quang, năm 1890, châu Lục Yên tách ra khỏi tỉnh Tuyên Quang để sáp nhập vào tỉnh Lào Cai.

Năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định xóa bỏ tỉnh Tuyên Quang, trong thời gian này phần lớn diện tích tỉnh Tuyên Quang nằm trong Đạo quan binh 3 và Đạo quan binh 2. Năm 1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập lại tỉnh Tuyên Quang địa bàn gồm phủ Yên Bình, hai huyện Hàm Yên, Sơn Dương và châu Chiêm Hóa tách ra từ Tiểu quân khu Tuyên Quang (Đạo quan binh 3), đặt dưới quyền trực tiếp của Thống sứ Bắc Kỳ. 

Là một trong những địa phương đã được các triều đình phong kiến nhiều lần khẳng định, xác lập là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương trong lịch sử, đến khi thực dân Pháp tạm chiếm nước ta, Tuyên Quang có những thay đổi khác về địa giới hành chính, song sự kiện năm 1831 Tuyên Quang được thành lập với tư cách là một tỉnh của Nhà nước Việt Nam mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong tiến trình lịch sử của Tuyên Quang (năm 1831 lần đầu tiên xuất hiện tên gọi tỉnh Tuyên Quang và là năm thành lập đơn vị hành chính chính thức trong cơ cấu chính quyền của triều Nguyễn). Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định sự phát triển về mọi mặt của vùng đất này đã sánh ngang với các tỉnh trong cả nước, khẳng định vị thế, tầm vóc của một vùng đất gốc, cốt lõi của quốc gia, đồng thời cũng mở ra một thời kỳ phát triển mới với những trang sử vẻ vang của Tuyên Quang.

                                                                                                                                             P.V 
                                                                                                 (Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Tin cùng chuyên mục