Không thể nào quên

- Kết thúc chiến tranh, các thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến… trở về quê hương khi còn mang trong cơ thể những mảnh đạn, có người không còn lành lặn, nhiều người vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Khắc ghi công lao to lớn ấy của những người đã xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, tỉnh ta đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân người có công, gia đình chính sách để những nỗi đau vơi dần theo năm tháng…

Vững vàng sau cuộc chiến

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại vẫn còn nặng nề, nỗi đau trong mỗi thương binh, thân nhân liệt sỹ vẫn chưa nguôi ngoai. Nhưng hơn ai hết, họ là những người đầy bản lĩnh và nghị lực sống, vững vàng đứng dậy sau những mất mát, hy sinh.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Cao Thị Cơ ở phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) năm nay đã tròn 100 tuổi có 3 người con tham gia kháng chiến chống Mỹ thì 2 người con của mẹ mãi nằm lại chiến trường miền Nam, đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Mẹ Cao Thị Cơ bảo: “Mẹ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, chỉ mong tìm thấy hài cốt của hai người con”. Nỗi đau của mẹ phần nào vơi đi khi được các cấp chính quyền và người dân quan tâm đặc biệt. Đầu năm mới vừa rồi, bà được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đến thăm hỏi, động viên mẹ, đây là niềm an ủi to lớn để mẹ vui sống nốt phần đời còn lại. Rồi hàng năm, lãnh đạo tỉnh, thành phố, phường và người dân đến thăm hỏi, động viên mẹ, chia sẻ cùng mẹ buồn vui cuộc sống, mẹ thấy thanh thản hơn...

Mẹ Việt Nam Anh hùng Cao Thị Cơ trò chuyện với thanh niên phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).

Một lần tôi đến thăm ông Đoàn Kim Kham, thương binh hạng 1/4 ở tổ 7, thị trấn Na Hang (Na Hang) khi ông khệ nệ bê những sản phẩm đồ gỗ mới làm xong xếp ngay ngắn, gương mặt đẫm mồ hôi. Ông cố nén nỗi đau do vết thương tái phát để làm việc, với ông, chỉ có làm việc thì nỗi đau trận mạc năm nào mới vơi đi. Chỉ khi làm việc thì mình mới tồn tại, mới sống đúng cái “chất” của người lính Cụ Hồ - ông Kham chia sẻ. Ông mở xưởng mộc đóng nội thất theo nhu cầu của người dân, sức ông không còn nhiều nữa nhưng chăm chỉ tập luyện, tinh thần lao động không ngưng nghỉ đã giúp ông vượt qua tất cả, làm chủ một xưởng mộc mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Câu chuyện làm giàu của thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Ất ở phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang) khiến nhiều người nể phục. Ông trồng vườn chè hơn 2 ha và chịu khó lặn lội đến những mô hình trồng chè lớn trong và ngoài tỉnh học hỏi kinh nghiệm. Nhiều năm “bán lưng cho trời” ông đã mạnh dạn đầu tư xưởng sao chè tạo việc làm cho 5 lao động địa phương. Ông Ất nói, nếu mình không cố gắng thì chẳng bao giờ thành công được, nhất là với những người “tàn phế” thì càng phải có nghị lực gấp đôi. 

Những thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách giàu ý chí, nghị lực vươn lên xây đắp cuộc sống thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, biết trân quý giá trị của cuộc sống thời bình hôm nay.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, Tuyên Quang đã đóng góp sức người sức của cùng nhân dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách đánh đuổi quân xâm lược, xây đắp non sông đất nước. Trong các cuộc chiến tranh, Tuyên Quang có gần 5.000 liệt sỹ, trên 5.000 thương binh, bệnh binh, 196 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gần 200 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa. Trên địa bàn tỉnh đang duy trì chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 7.000 người có công với cách mạng và thân nhân.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Giã
khi mẹ đến điều trị tại Bệnh viện vào đầu tháng 7-2021.

Phát huy trách nhiệm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong thời gian qua, nhiều hoạt động hỗ trợ các đối tượng người có công, gia đình chính sách được tỉnh triển khai có hiệu quả. Tỉnh đã huy động các nguồn lực tập trung hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở người có công khó khăn; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã nhận đỡ đầu con em các gia đình chính sách và nhận phụng dưỡng tất cả các bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Giã ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) xúc động nói, mẹ có 3 người con trai đi bộ đội thì hai người con đã anh dũng hy sinh, mẹ sống với người con út. Gia đình mẹ được Nhà nước hỗ trợ sửa chữa nhà, hỗ trợ kinh phí mổ mắt để đôi mắt của mẹ sáng hơn. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Tuyên Quang nhận phụng dưỡng, trợ cấp hàng tháng cho mẹ. Thanh niên trong xã còn thường xuyên tới nhà giúp mẹ chăm sóc vườn rau, dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Điều đó đã giúp mẹ vơi bớt nỗi đau, sống thanh thản những tháng năm cuối của cuộc đời.

Kết quả vận động, ủng hộ, sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” 6 tháng đầu năm

Tổng số tiền Quỹ từ năm 2020 chuyển sang: 2.744.610.604 đồng.

Chi hỗ trợ làm mới và sửa chữa 46/47 nhà ở cho người có công với số tiền 1.280.000.000 đồng. Trong đó làm mới 18 nhà, sửa chữa 28 nhà.

Quỹ còn lại đến ngày 20-7-2021 là 1.464.610.604 đồng.

Từ nhu cầu của các thương, bệnh binh, người có công khó khăn về nhà ở, tỉnh đã triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp. Gia đình ông Nguyễn Văn Hậu, thương binh hạng 4/4 ở thôn Cây Vạng, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) năm 2019 vui mừng khi được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện để hoàn thành ngôi nhà mới, tạo động lực giúp gia đình ông yên tâm phát triển kinh tế. Ông Hậu bảo, trước kia ở nhà cũ dột nát lúc nào cũng lo ngay ngáy. Kể từ ngày có nhà mới, mọi người trong nhà yên tâm làm ăn, nuôi con gà, con vịt, trồng rau… cuộc sống ổn định hơn nhiều. Nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước và bà con chòm xóm thì ước mơ có ngôi nhà mới của gia đình ông không biết bao giờ mới trở thành hiện thực.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm toàn tỉnh huy động được gần 4 tỷ đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp để hỗ trợ gia đình chính sách còn khó khăn làm nhà ở và các điều kiện sinh hoạt khác. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa và làm mới 58 ngôi nhà cho người có công với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức quyên góp, ủng hộ các gia đình chính sách kinh phí làm nhà ở, biết bao ngôi nhà mới khang trang được dựng lên, thỏa lòng mong ước của các gia đình chính sách. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ, với tình cảm và trách nhiệm với các gia đình chính sách, các doanh nhân trong tỉnh sẵn sàng đóng góp ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để chung tay gây dựng những ngôi nhà mới cho các thương binh, thân nhân liệt sỹ, góp phần tô thắm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua đã góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, tạo động lực để các gia đình chính sách vươn lên có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Đình
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng

Hàng năm, công ty trích quỹ khoảng 500 triệu đồng ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tổ chức các hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình chính sách và các hoạt động nhân đạo từ thiện khác. Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, công ty tích cực hưởng ứng Chương trình Tết Vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Đây thực sự là hoạt động ý nghĩa, góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát, hy sinh của các thương binh, gia đình liệt sỹ và nạn nhân chất độc da cam vì độc lập, tự do của dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Loan
 Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sơn Dương

Từ đầu năm đến nay, huyện Sơn Dương đã lập thủ tục hồ sơ làm mới, sửa chữa nhà ở cho 7 gia đình người có công với cách mạng, với tổng kinh phí 180 triệu đồng từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh. Huyện phối hợp với các cơ quan Trung ương có trụ sở làm việc trên địa bàn huyện trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các doanh nghiệp hỗ trợ xây mới và tu sửa 15 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Ngoài ra, huyện vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn cùng chung tay giúp đỡ, chăm lo cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng trong mỗi dịp lễ, Tết.

Anh Phạm Quang Ngọc
Bí thư Đoàn xã Mỹ Bằng (Yên Sơn)

Hàng năm vào dịp Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7, Đoàn xã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tiêu biểu như thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công, dọn dẹp vệ sinh nghĩa trang liệt sỹ, thắp nến tri ân; phối hợp tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho thương binh, bệnh binh… Các hoạt động này không chỉ giúp giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho đoàn viên, thanh niên mà còn thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc chăm sóc, phụng dưỡng người có công.

 

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục