Nâng cánh ước mơ

- Ai sinh ra cũng mong muốn mình khỏe mạnh, song với nhiều người khuyết tật và trẻ em mồ côi, họ không thể làm những việc tưởng chừng rất đơn giản. Họ rất cần sự sẻ chia và luôn khát khao được khẳng định bản thân. Bằng trách nhiệm và tình cảm của mình, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó có “Đề án chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi”.

Khơi dậy ý chí vươn lên

Đến thăm gia đình anh Trần Văn Hiền và chị Nguyễn Thị Liên, thôn Tân Biên 1, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) có con là Trần Thị Thanh bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh mới thấy sự khó khăn và nghị lực vươn lên của vợ chồng anh. Suốt 26 năm qua, tiền làm được bao nhiêu, anh chị dùng hết vào chữa trị cho con nhưng bệnh chẳng hề thuyên giảm. Cũng bởi vậy nên anh chị làm mãi cũng chẳng dư ra được đồng nào để có vốn đầu tư. Năm 2018, gia đình anh được vay 10 triệu đồng không lãi suất từ Đề án chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi. Từ số tiền có được anh vay mượn thêm họ hàng để đầu tư nuôi 4 con bò và mua thêm 1 con bê. Anh còn được cán bộ xã hướng dẫn phương pháp chăn nuôi hiệu quả, nhờ vậy bò phát triển tốt, sinh sản mỗi năm được 1 con bê. Đến nay, gia đình anh đã suất bán 2 con bê với giá 18 triệu đồng/con. Anh bảo, nếu như không có nguồn hỗ trợ của Đề án, chắc anh không dám vay mượn thêm và những người yếu thế như anh không biết đến bao giờ mới thoát được nghèo.  

Bà Lê Thị Hòa (ngoài cùng bên phải), mẹ 2 đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng, xã Sơn Nam (Sơn Dương)
được hỗ trợ từ Đề án giúp phát triển sinh kế.

Em Nguyễn Thanh Duy, sinh năm 2006, thôn Ba Nhà, xã Sơn Nam (Sơn Dương) mồ côi bố, hiện sống cùng mẹ nhưng mẹ bị thiểu năng trí tuệ mức độ nhẹ. Em là 1 trong hơn 200 đối tượng khuyết tật, trẻ mồ côi trong xã được hưởng lợi khi Đề án triển khai. Gia đình em Duy thuộc hộ nghèo của xã, nhà ở xuống cấp nên phải ở nhờ nhà bà ngoại nhiều năm liền. Năm 2018, gia đình em được nhận 40 triệu đồng từ Đề án và chính quyền địa phương hỗ trợ để xây mới nhà ở. Em chia sẻ, từ ngày có nhà mới, mẹ con em không còn lo cảnh che nắng, che mưa, em chuyên tâm học tập và hỗ trợ mẹ những công việc nhà. Em còn nhận được tiền hỗ trợ để mua sách vở, đồ dùng học tập. Hiện cuộc sống gia đình em cũng khá hơn nhiều so với trước.  

Không chỉ giúp người khuyết tật về vốn, kiến thức để làm ăn, Đề án còn hỗ trợ xe lăn, máy trợ thính, xe đạp... tạo điều kiện cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi thuận lợi đi lại, giao tiếp. Chị Hoàng Thị La, mẹ em Nguyễn Văn Bình, 25 tuổi, đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng ở thôn 8, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, chị phát hiện con mình bị bại não từ nhỏ. Từ đó đến nay, mọi sinh hoạt của con đều phụ thuộc vào mẹ. Từ ngày có xe lăn của Đề án trao tặng, việc di chuyển và sinh hoạt của con chị thuận tiện hơn, cháu có thể ngồi trên xe lăn chơi chứ không như trước đây mẹ phải bế nên chị nhận thêm việc làm tăm tại nhà để có thu nhập. Chị còn nhận được 4 triệu đồng tiền hỗ trợ sinh hoạt từ Đề án để xây dựng công trình vệ sinh. Nhờ sự động viên kịp thời đã tạo thêm niềm vui, niềm phấn khởi giúp gia đình chị có thêm nghị lực sống và vươn lên.

Động lực giảm nghèo

Toàn tỉnh có trên 32.000 người khuyết tật, trẻ em mồ côi, đa số họ không có công việc ổn định, sống dựa vào gia đình, người thân và nguồn trợ cấp xã hội. Phần lớn các hộ gia đình có người khuyết tật đều có mức sống thấp. Trước thực trạng đó, từ năm 2016, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh đã triển khai “Đề án chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi”. Đến nay, Đề án đã triển khai tại 8 xã: Tràng Đà, Kim Phú, Đội Cấn (TP Tuyên Quang), Thái Hòa (Hàm Yên), Sơn Nam (Sơn Dương), Tiến Bộ (Yên Sơn), Tân Thịnh, Nhân Lý (Chiêm Hóa). Tổng kinh phí thực hiện tại mỗi xã từ 400 đến 721 triệu đồng. Số tiền từ Đề án là sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh.

Người khuyết tật xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) được hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh là người đồng hành với hoạt động của Hội từ những ngày đầu triển khai Đề án cho biết, xác định mục tiêu “Trao cần câu chứ không hỗ trợ con cá”, sau 5 năm, đã có trên 4.000 lượt đối tượng người khuyết tật, trẻ em mồ côi được hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Trong đó, trên 2.000 lượt người khuyết tật được khám bệnh, phát thuốc miễn phí, 92 người khuyết tật được hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà, trên 995 lượt người được cấp xe lăn và tiền làm đường tiếp cận xe lăn, 52 hộ được hỗ trợ kinh phí xây công trình vệ sinh, 5 hộ được hỗ trợ làm nhà ở, 51 hộ được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình, trao trên 1.000 suất quà, học bổng cho các đối tượng... Đề án góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động trong việc giúp đỡ, động viên người khuyết tật, trẻ mồ côi khơi dậy lòng nhân ái, chung tay của toàn xã hội để tạo điều kiện tốt nhất cho người khuyết tật vươn lên.

Trước khi triển khai Đề án, Hội tập trung rà soát những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn làm ăn để triển khai các hoạt động hỗ trợ. Là một trong 8 xã được chọn triển khai Đề án, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) có 72 người khuyết tật  và 11 trẻ mồ côi, đa số họ đều có cuộc sống khó khăn. Năm 2019, Đề án được triển khai tại xã có tổng kinh phí hơn 442 triệu đồng đã trợ giúp cho các đối tượng về y tế, phương tiện đi lại, hỗ trợ sinh kế giúp phát triển kinh tế. Đồng chí Lê Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết, trước khi triển khai Đề án, xã đã rà soát kỹ nhu cầu của từng đối tượng để thực hiện hỗ trợ đúng nhu cầu. Mỗi đối tượng khi được hỗ trợ đã chủ động, không trông chờ hay ỷ lại.

Tiêu biểu như gia đình ông Lý Văn Ngọc, 60 tuổi ở thôn An Phong bị mù cả 2 mắt được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Đề án và các mạnh thường quân giúp đỡ đã xây được căn nhà kiên cố. Hay anh Hà Phúc Tứ, thôn Quang Minh có con bị bệnh thiếu máu huyết tán, thiểu năng trí tuệ nên gia cảnh hết sức khó khăn. Khi Đề án được triển khai, anh được hỗ trợ 3 triệu đồng, từ số tiền này, anh mua 2 con lợn nái giống và được hướng dẫn cách chăn nuôi. Đến nay, đàn lợn của gia đình anh đã có 30 con. Trung bình mỗi lứa, anh Tứ xuất bán 10 - 15 con lợn. Cuối năm 2019, gia đình anh đã thoát nghèo, kinh tế ổn định nên việc chữa bệnh cho con anh không quá khó khăn như trước.

Đề án đã mang lại cơ hội vươn lên khẳng định mình cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, thể hiện tinh thần nhân ái, sẻ chia của cả cộng đồng đối với những mảnh đời bất hạnh. Mong rằng, Đề án sẽ tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương và có sự chung tay của cả cộng đồng để người khuyết tật và trẻ em mồ côi vơi đi mặc cảm, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục