Những ngày khốn khó
Một buổi sớm đầu hạ, chúng tôi trở về vùng quê cách mạng Tân Trào thăm CCB Sái Bá Vệ. Đến nơi, mới biết, hiện ông không có mặt ở Tân Trào, mà đang quản lý xưởng vật liệu xây dựng và tòa nhà nghỉ ở thôn Lập Binh, xã Bình Yên. Thấy chúng tôi, ông cười bảo: “Giờ tôi cũng chỉ quản lý chung thôi, còn lại giao các con hỗ trợ”.
Ông Sái Bá Vệ được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong
phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, giai đoạn 2016 - 2021.
CCB Sái Bá Vệ sinh ra tại xã Trung Hà, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Ông có 5 năm trong quân ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc. Năm 1985, ông ra quân trở về với ruộng đồng, vợ con. Con trai cả ông hồi đó lên 2, ba năm sau vợ ông sinh thêm 2 đứa. Cuộc sống nghèo túng trước kia nay thêm phần đói rách.
Ông quyết định lấy 30 nghìn đồng tiền trợ cấp đời lính rồi vay thêm 30 nghìn họ hàng mua 1 chiếc xe đạp thồ hàng bán mắm muối. Ngày ngày, ông chở xà phòng, mắm muối rong ruổi khắp các xã vùng sâu, vùng xa đổi chuối, ngô, thóc mang về xuôi bán.
Ông bảo, nghề buôn trên xe thồ vất vả, hao tổn mồ hôi, sức lực, nhưng bù lại, thu nhập khá hơn cuốc bẫm cầy sâu. Ông đi xã càng xa đồng nghĩa chiếc áo trên người ông càng đẫm mồ hôi. Đi nhiều, ông cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống và khát khao làm giàu.
Vì vậy, cứ hết mùa vụ, vợ chồng ông lại rong ruổi khắp huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Tam Đảo, Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Sơn Dương (Tuyên Quang)... bán hàng. Thế rồi, bà con trong làng thấy vợ chồng ông kiếm ăn được, cũng làm theo, cung vượt cầu, những chuyến hàng ế ngày một dầy thêm. Vợ chồng ông quyết định chuyển nghề.
Tay trắng dựng cơ đồ
Năm 1990, vợ chồng ông rời quê lên Tân Trào lập nghiệp. Đầu tiên thuê nhà, thuê đất tại chợ Tân Trào vừa ở, vừa buôn bán hàng tạp hóa. Ở đây, ông còn làm địa điểm bắt mối cung cấp với các bạn hàng ở các chợ lân cận và phục vụ nhu cầu của khách ở các làng bản vùng sâu, vùng xa từ mắm, bánh kẹo đến xăng dầu, máy móc nông cụ sản xuất. Cửa hàng của ông dần trở thành trung tâm thu hút khách ở chợ, vừa vươn tới nhiều hang cùng ngõ hẻm của các địa phương.
CCB Sái Bá Vệ (đầu tiên bên phải) hướng dẫn công nhân làm việc tại xưởng sản xuất vật liệu xây dựng.
Bên cạnh cung ứng nguồn hàng tạp hóa, ông Vệ luôn khát khao tìm những mặt hàng kinh doanh mới phục vụ bà con. Bà con lối xóm nhiều phen ngỡ ngàng xen lẫn nghi ngờ vì cái ông Vệ “hâm” tha nhiều máy lạ hoắc, bảo về cán mỳ, làm bún, làm kem mà chẳng biết có làm nổi trò trống gì không? Ấy thế mà ông lại giàu lên nhờ những cỗ máy lạ hoắc đó.
Ông Vệ bảo: “Hàng xóm làm kem, nhưng không bán được, bỏ nghề. Tôi cũng làm kem, nhưng lại khá lên. Vì tôi về tận làng kem Hà Nội học nghề. Kem tôi làm ra ngon hơn, bán đắt hàng”. Nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường, kinh tế gia đình ông từng bước đi lên. Chỉ dăm ba năm sau, ông đã dành đủ tiền mua đất, xây nhà.
Năm 2010, ông Sái Bá Vệ là một trong những hộ đầu tiên ở xã Tân Trào thành lập công ty, lúc đầu là Công ty TNHH Vệ Thanh, rồi đến Công ty TNHH Quang Đạo với mô hình kinh doanh và phân phối hàng tạp hóa, kết hợp sản xuất vật liệu xây dựng. Để tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, ông đầu tư mua xe vận tải trực tiếp chuyển hàng. Ở đâu ông cũng tạo được uy tín bởi sự chân thành, nghiêm túc trong ứng xử và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, ông đã tạo được chuỗi tiêu thụ hàng hóa tới các huyện xa.
Những năm gần đây, nắm bắt đời sống bà con nâng lên, sức tiêu dùng tăng mạnh, nhất là nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng. Ông Vệ tiếp tục tạo những bước chuyển mới, tổ chức lại mô hình sản xuất của gia đình, giải thể Công ty TNHH Quang Đạo, cùng các con thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hưng, đi sâu sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng kết hợp duy trì kinh doanh cửa hàng tạp hóa, cây xăng. Ông bàn với vợ con dốc toàn bộ vốn liếng mua đất, trang thiết bị và xây dựng nhà xưởng. Đồng thời, đầu tư cho bản thân kiến thức quản trị, vận hành, làm chủ được máy móc ứng dụng trong sản xuất kinh doanh.
Việc sản xuất kinh doanh của công ty như gắn vào vận mệnh của ông, có lúc thăng trầm, kiệt quệ tưởng như trắng tay, nhưng chất thép đã giúp người lính ấy vượt qua và phát triển như ngày hôm nay với hàng loạt cửa hàng, nhà xưởng trong khu vực. Các mặt hàng sản xuất, kinh doanh của gia đình ông hiện có: 2 cửa hàng đại lý tạp hóa, 1 xưởng sản xuất tôn lợp, 1 xưởng sản xuất gạch không nung trên địa bàn xã Tân Trào; 1 cây xăng ở xã Hùng Lợi và 1 xưởng sản xuất vật liệu xây dựng tại xã Kim Quan cùng hơn chục xe vận tải phục vụ vận chuyển hàng… Ngoài ra, ông còn 1 nhà nghỉ 5 tầng gần 1.000 m2 tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên. Doanh nghiệp của ông ngoài tạo việc làm ổn định cho 8 thành viên trong gia đình, còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động địa phương, với mức lương bình quân từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, ngoài việc hoàn chỉnh việc nộp thuế Nhà nước, doanh nghiệp ông dành hàng chục triệu đồng làm việc thiện nguyện, giúp đỡ làm nhà hộ nghèo, xây dựng công trình hạ tầng ở địa phương.
Chia tay CCB Sái Bá Vệ, chúng tôi càng khâm phục ý chí và sự bền bỉ phấn đấu của người lính Cụ Hồ. Đó là sự lao động không ngừng nghỉ, cùng tư duy nhạy bén, không tự ti với số phận, không ngại khó, ngại khổ, luôn khát khao hướng đến cái mới, đúng như tâm niệm của ông “Thắng không kiêu, bại không nản, vào sống ra chết không sờn lòng, khó khăn không nản chí”.
Gửi phản hồi
In bài viết