Xã hội hóa chăm sóc nạn nhân da cam
Theo ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã có 1.045 hồ sơ được gửi giám định y khoa. Kết quả, có 679 người đủ điều kiện được hưởng trợ cấp. Hiện toàn tỉnh có 2.610 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin còn sống được hưởng chế độ. Trong đó, nạn nhân trực tiếp là 1.845 người, nạn nhân gián tiếp là 765 người.
Ngoài chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, tỉnh đã vận động các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức phong phú, thiết thực hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh. Kết quả, toàn tỉnh huy động các nguồn lực trong toàn xã hội là hơn 16 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, có 57.000 lượt hội viên được hỗ trợ 57.000 suất quà, trị giá 10.8 tỷ đồng; làm nhà mới cho 265 hộ hội viên nghèo. Ngoài ra, các hội viên được hỗ trợ vốn sản xuất, khám chữa bệnh, tặng sổ tiết kiệm...
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp và UBND xã Tân Tiến bàn giao nhà ở mới
cho gia đình ông Vi Hồng Cao, thôn 8, xã Tân Tiến (Yên Sơn).
Hiện nay Tỉnh hội, đa số huyện hội và các xã, phường, thị trấn đều xây dựng được Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”. Từ nguồn quỹ này đã góp phần hỗ trợ, động viên kịp thời tinh thần, vật chất, sinh kế, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Từ đó, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Yên Sơn tích cực trong công tác vận động xây dựng Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” tại từng xã. Ông Phùng Anh Tú, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Yên Sơn chia sẻ, trung bình hàng năm mỗi xã đóng góp được từ 15-20 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ này, các nạn nhân da cam thường xuyên được thăm hỏi, tặng quà lúc ốm đau, bệnh tật, ngày lễ Tết. Nhiều năm qua các nguồn Quỹ đều hoạt động hiệu quả, nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.
Bên cạnh sự hiệu quả của việc xã hội hóa trong xây dựng Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” tại cơ sở thì các cấp hội còn triển khai xây dựng Hòm Quỹ ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin. Toàn tỉnh hiện có 8 hòm quỹ được đặt tại các điểm tâm linh như: Chùa An Vinh, Đền Hạ, Đền Ỷ La (TP Tuyên Quang)... Có thể kể đến điểm đặt quỹ tại chùa Đại Bi, xã Xuân Vân (Yên Sơn) được xây dựng từ năm 2014 do ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Xuân Vân cùng Ban Chấp hành Hội đề xuất... Từ hòm quỹ nhân đạo này, hàng năm góp phần bổ sung vào Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” được trên 10 triệu đồng.
Những nỗ lực từ người trong cuộc
Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, địa phương, các cơ sở hội và bản thân các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã có những cách làm để từng bước tạo điều kiện cho hội viên vươn lên. Trong đó việc thành lập xây dựng Quỹ tự lập tại các cơ sở hội đã phát huy nội lực của chính các hội viên. Ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ, từ nhu cầu thực tế, nhiều hội viên có mong muốn phát triển kinh tế nhưng hoàn cảnh khó khăn chưa có nguồn vốn, Hội đã chủ trương thành lập Quỹ tự lập để tạo điều kiện cho từng hội viên. Số quỹ thu được sử dụng luân chuyển bằng cách cho hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, sửa chữa nhà ở trong thời hạn từ 3-5 năm. Đến nay, 100% các cơ sở hội trên địa bàn tỉnh đã thành lập được quỹ với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng, cho trên 250 lượt hội viên vay vốn.
Các cơ sở Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Chiêm Hóa đều thực hiện hiệu quả Quỹ tự lập, tiêu biểu như xã Yên Nguyên và xã Xuân Quang… Từ số tiền quỹ đóng góp được, nhiều nạn nhân đã được giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Hoàng Tiến Vượng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Yên Nguyên chia sẻ, Quỹ tự lập của hội được thành lập năm 2014, ban đầu mỗi hội viên tham gia đóng góp 200 nghìn đồng/năm. “Tích tiểu thành đại”, đến nay hội có 54 hội viên với tổng số quỹ là 74 triệu đồng. Quỹ đã cho 15 lượt hội viên vay vốn để phát triển sản xuất, sửa chữa nhà ở.
Tại huyện Na Hang từ nguồn Quỹ tự lập, nhiều hội viên đã được tạo điều kiện, có động lực để thoát nghèo. Điển hình như ông Nguyễn Văn An, xã Thượng Giáp bị nhiễm chất độc da cam, mù hai mắt. Ông chia sẻ, năm 2017, ông được vay 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ của Hội, cộng thêm hỗ trợ từ người thân, xóm làng, ông mua trâu sinh sản. Qua thời gian nhờ chăm sóc tốt, trâu đã sinh sản được 4 lứa. Ông đã trả được hết nợ và có nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi gia cầm. Hiện nay gia đình ông đã thoát nghèo.
Bên cạnh đó có những nạn nhân da cam đã nỗ lực, trở thành tấm gương sáng tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho những người cùng cảnh ngộ. Theo ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thì toàn tỉnh hiện có hơn 350 hội viên tích cực phát triển kinh tế với nhiều mô hình như: trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trồng rừng... Mức thu nhập từ 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm. Nhiều hội viên tích cực học hỏi khoa học kỹ thuật, làm giàu, tìm hướng đi mới, giúp đỡ các hội viên khác thoát nghèo.
Mang trong mình nhiều bệnh tật do di chứng của chất độc da cam/dioxin, nhưng ông Nguyễn Văn Dục, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) luôn nỗ lực phát triển kinh tế. Ông có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh, trong đó tập trung chủ yếu đầu tư cây đào cảnh. Ông chia sẻ, trước đây kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, chỉ phụ thuộc vào cây sắn, cây ngô. Qua tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm gia đình đã tập trung phát triển mô hình trồng đào. Hiện tại gia đình ông có gần 500 gốc đào, 150 con gà đẻ trứng cùng nhiều loại cây ăn quả khác. Riêng thu nhập từ trồng đào cảnh, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 50 -70 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình được cải thiện, ông cũng có thêm nguồn chi phí để mua thuốc và khám chữa bệnh.
Kỷ niệm 60 năm Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam” (10-8-1961 - 10-8-2021), chúng ta cùng nhau tạo động lực, niềm tin để những nạn nhân da cam vươn lên có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần.
Gửi phản hồi
In bài viết