Anh Hoàng Đức Huân, cán bộ quản lý công trình cấp nước tập trung thôn Cây Chanh 1, Cây Chanh 2, xã Đức Ninh (Hàm Yên) kiểm tra thiết bị lọc của công trình.
Công trình cấp nước tập trung thôn Cây Chanh 1, Cây Chanh 2, xã Đức Ninh (Hàm Yên) đi vào hoạt động từ năm 2019, với 140 hộ thuộc 2 thôn và thôn Cây Xoan sử dụng. Đến nay, số hộ đăng ký sử dụng đã tăng lên 150 hộ thuộc 3 thôn. Anh Hoàng Đức Huân, cán bộ quản lý công trình cấp nước tập trung thôn Cây Chanh 1, Cây Chanh 2 cho biết, hằng ngày, công trình cấp nước vào các khung giờ từ 10-12 giờ trưa và từ 17-19 giờ tối. Qua thời gian quản lý, vận hành công trình, chất lượng nước bảo đảm, người dân có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt đều rất phấn khởi và yên tâm.
Anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Cây Chanh 2 nói, gia đình anh sử dụng nước máy của công trình từ năm 2019 đến nay. Trước đó, nhà anh sử dụng nước giếng khoan, nước có hôm rất đục, không bảo đảm vệ sinh. Vì vậy, được sử dụng nguồn nước sạch, mọi người đều cảm thấy yên tâm, nhất là trong sinh hoạt, nấu ăn, bảo đảm cho sức khỏe các thành viên trong gia đình. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh sử dụng hết khoảng 70-80 nghìn đồng tiền nước, phù hợp với mức thu nhập của gia đình.
Trẻ em thôn Cây Chanh 2, xã Đức Ninh (Hàm Yên) được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.
Theo anh Nguyễn Đình Tâm, Trưởng Ban Quản lý khai thác các công trình cấp nước nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, trong số 82 công trình cấp nước tập trung do Ban quản lý, có 62 công trình hoạt động bền vững và hoạt động trung bình trở lên. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Ban đã thành lập tổ quản lý và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ trực tiếp quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng của các công trình. Hiện toàn tỉnh có 45 cán bộ hợp đồng quản lý công trình. Các cán bộ được tham gia khóa đào tạo vận hành hệ thống cấp nước và kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ trình độ sơ cấp; thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt được giao theo đúng quy định. Do đó, bảo đảm phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý khai thác công trình cấp nước nông thôn còn tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tiêu biểu như sử dụng phần mềm quản lý khách hàng, đọc chỉ số đồng hồ qua các thiết bị di động; phần mềm quản lý mạng nước. Cùng với đó, đơn vị đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn cho các học viên là thành viên của các tổ quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Anh Quan Văn Mình, Tổ trưởng Tổ quản lý công trình xã Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, Tổ hiện có 6 thành viên thực hiện công tác quản lý, khai thác, sử dụng 4 công trình cấp nước tập trung tại các thôn trên địa bàn xã. Tổng số hộ sử dụng nước sạch từ các công trình là 1.200 hộ. Để nâng cao chất lượng quản lý các công trình, các thành viên trong tổ đều ứng dụng phần mềm quản lý khách hàng, đọc chỉ số đồng hồ qua các thiết bị di động và phần mềm quản lý mạng nước. Nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, khai thác, sử dụng các công trình, góp phần nâng tổng số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện lên 90%.
Nhờ khai thác và phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh hằng năm trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh chiếm 90,5%, đến nay đã nâng lên 95%. Qua đó, bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết