Hiệu quả từ công tác truyền thông
Những tiến bộ trong y tế đã giúp kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Nhưng những tiến bộ đạt đượcc đó không phải tất cả mọi ngườii đều được hưởng. Vẫn còn có phụ nữ chết trong khi sinh nở, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Bởi vậy, công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tiến tới xã hội hóa công tác dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).
Thời gian qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng tới mục tiêu thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số. Chi cục chú trọng các hoạt động truyền thông trọng điểm trong các ngày lễ lớn như: Ngày Thalassemia Thế giới 8-5, Ngày tránh thai thế giới 26-9, Ngày Quốc tế trẻ em gái 11-10, Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10, Ngày Dân số Việt Nam 26-12... Tăng cường vận động trực tiếp thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, hội nghị, truyền thông nhóm nhỏ, các hoạt động lồng ghép của các tổ chức, đoàn thể và tư vấn trực tiếp thông qua 1.733 cộng tác viên dân số tại các xã, phường, thị trấn. Từ đó đã làm thay đổi nhận thức của các cặp vợ chồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện KHHGĐ.
Đoàn thanh niên xã Yên Thuận (Hàm Yên) tư vấn kiến thức về sức khoẻ sinh sản cho người dân địa phương.
Các huyện, thành phố đã có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Ông Hà Huyết Đường, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn cho biết, hàng năm, Trung tâm phối hợp với Hội LHPN xã, Đoàn thanh niên... tổ chức nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, về xây dựng gia đình hạnh phúc, về dân số và phát triển; phát 7.016 tờ rơi, treo băng zôn tại 28 Trạm Y tế xã và Trung tâm Y tế huyện. Đơn vị chú trọng truyền thông tư vấn sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tại các trường THPT, THCS bởi đây là độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, đặc biệt là các xã Hùng Lợi, Trung Minh, Kiến Thiết là những xã trong nhóm nguy cơ cao. Nội dung tuyên truyền dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa, giao lưu, giải đáp thắc mắc của học sinh về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, thu hút hơn 2.000 học sinh, giáo viên tham gia. Đến nay, huyện duy trì mức giảm sinh hàng năm đạt 0,3%; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 0,7%; toàn huyện có 19.655 cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 70%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 124% và sàng lọc sơ sinh đạt 32,6%.
Hướng đến nền dân số phát triển
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô gia đình có 2 con ngày càng phổ biến. Một số mô hình, chiến dịch nâng cao chất lượng dân số được triển khai hiệu quả như mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”; chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn”...
Bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành chú trọng đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai, ưu tiên cung cấp miễn phí phương tiện tránh thai cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội, đa dạng hóa các phương tiện tránh thai theo hướng tiếp thị xã hội và xã hội hóa, cung cấp các biện pháp tránh thai tới tận tay người sử dụng. Nhờ đó, tỷ lệ người mới sử dụng biệp pháp tránh thai hiện đại đạt 69%, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 125%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 30%. Tỷ suất sinh thô năm 2016 là 15,3%o giảm còn 11,5%o năm 2021; tỷ số giới tính khi sinh năm 2016 là 115,5 bé trai/100 bé gái giảm còn 112 bé trai/100 bé gái năm 2021; tuổi thọ bình quân hiện tại là 72,28 tuổi (tăng 0,38 tuổi so với năm 2016).
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới được triển khai đồng bộ, thống nhất về nội dung, chủ đề, khẩu hiệu hành động: Nam giới có trách nhiệm chia sẻ với nữ giới trong việc thực hiện KHHGĐ và nuôi dạy con cái; Hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn; Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân vì tương lai hạnh phúc của mỗi gia đình; Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức... Các địa phương tập trung cao công tác tuyên truyền ở các vùng trọng điểm, các xã, phường đông dân, có mức sinh, tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ con thứ 3 trở lên cao. Lồng ghép tư vấn và đáp ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình thường xuyên, tăng cường tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ.
Tuy nhiên, công tác dân số và phát triển trong tỉnh vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô dân số lớn, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao. Tổng tỷ suất sinh năm 2020 là 2,50 con/phụ nữ. Tuyên Quang vẫn là 1 trong 33 tỉnh có mức sinh cao trong cả nước. Tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số-KHHGĐ đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền vận động nhân dân tại cơ sở. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao (112 bé trai/100 bé gái); kinh phí cho hoạt động dân số còn hạn chế...
Để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng dân số toàn diện, ông Hà Thanh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Chú trọng truyền thông dân số qua mạng xã hội; thực hiện mục tiêu giảm sinh nhằm sớm đưa mức sinh về mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con).
Gửi phản hồi
In bài viết