“Cánh tay” nối dài của Cảnh sát PCCC

- Các đội dân phòng được coi là “cánh tay” nối dài của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ. Lực lượng dân phòng thực hiện những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ; tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Theo Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.733 đội dân phòng, với 17.675 đội viên. Các đội dân phòng là cán bộ thôn, bản, tổ dân phố kiêm nhiệm, là những công dân tích cực. Hoạt động của lực lượng dân phòng đã góp phần phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ xảy ra, hạn chế cháy lan, cháy lớn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Từ năm 2020 đến tháng 6-2022, lực lượng PCCC cơ sở, trong đó có dân phòng đã kịp thời xử lý, dập tắt 65/112 (chiếm 58%) sự cố cháy trước khi lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ có mặt.

Như vụ cháy xảy ra rạng sáng 1-2- 2022, tại hộ ông Nguyễn Văn Sự, thôn Bản Chợ, xã Yên Hoa (Na Hang). Ngay khi xảy ra cháy, UBND xã đã huy động trên 200 người (trong đó có các đội dân phòng) cùng các phương tiện tại chỗ triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Sau gần 2 giờ, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, khống chế không để ngọn lửa lây sang các nhà lân cận, lực lượng tại chỗ đã sơ tán hơn 100 người đến nơi an toàn. Vụ cháy không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế gần 2 tỷ đồng.

Ông Phạm Tiến Quyền (ngoài cùng bên phải), Đội trưởng Đội dân phòng thôn 8, xã Trung Môn (Yên Sơn)
 được hướng dẫn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Trên thực tế, các vụ cháy nếu xảy ra ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, các xã xa trung tâm huyện, việc huy động lực lượng PCCC chuyên nghiệp từ trung tâm huyện hoặc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh đến hiện trường chữa cháy thì phải mất nhiều giờ đồng hồ sẽ không khả thi. Lực lượng dân phòng tại thôn dù đã rất nỗ lực, tích cực tham gia chữa cháy, cứu tài sản nhưng họ đều chưa được tập huấn, chưa được trang bị phương tiện cơ bản nên khi thực hiện nhiệm vụ vẫn lúng túng, gặp nhiều khó khăn.

Theo Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đến nay, UBND cấp xã đã có quyết định thành lập đội dân phòng tại 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đội dân phòng chưa cao. Nguyên nhân do hầu hết các đội dân phòng chưa được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chưa được trang bị một số phương tiện cơ bản phục vụ công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, một số vụ việc chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có tích chất phức tạp có thể khiến đội viên dân phòng bị thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, cần thiết phải có chế độ, chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên đối với lực lượng dân phòng.

Tin vui là tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIX đã thông qua dự thảo Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng đối với các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức hỗ trợ hàng tháng đối với đội trưởng đội dân phòng là 0,16 và đội phó đội dân phòng là 0,15 mức lương tối thiểu vùng/người/tháng. Việc hỗ trợ thường xuyên hàng tháng sẽ khích lệ, động viên kịp thời và nâng cao trách nhiệm của đội trưởng, đội phó dân phòng khi thực hiện nhiệm vụ.

Sự quan tâm kịp thời của tỉnh cũng là cụ thể hóa thực hiện Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Công an tỉnh đang chỉ đạo các phòng chuyên môn và Công an cấp huyện tập trung tăng cường tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cho các đội dân phòng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, để lực lượng dân phòng thật sự là “cánh tay” nối dài của lực lượng Công an trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ và đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục