Đồng chí Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị cho biết: Đà Vị hôm nay thật sự đã thay da đổi thịt, xã đang phấn đấu trở thành đô thị loại V. Hiện cơ sở vật chất của xã tương đối hoàn thiện, tại địa phương hiện có nghề làm bún khô, nghề nuôi cá lồng, trồng xoan, trồng cây cam đều là những nghề mới có tiềm năng, thế mạnh để có thể phát triển kinh tế và mang lại thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, với đặc điểm xã có đông đồng bào các dân tộc cùng sinh sống, trong những năm vừa qua, chính quyền xã luôn quan tâm, động viên người dân phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển phải đi đôi với bảo tồn những nét văn hóa, lễ hội truyền thống.
Người dân Đà Vị làm bún khô.
Thôn Bản Lục hiện có trên 60 hộ dân là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, chiếm 40% dân số. Cùng với sự phát triển kinh tế, những người phụ nữ nơi đây luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Từng đường kim, mũi chỉ, nét hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm người Dao Đỏ đang được những người phụ nữ trong thôn hàng ngày gìn giữ. Em Phùng Thị Choáng chia sẻ, tuy còn nhỏ nhưng em rất yêu và trân trọng những nét văn hóa của dân tộc mình, em tự nguyện tham gia Câu lạc bộ văn nghệ tiếng Dao của thôn. Mỗi khi giao lưu văn nghệ, các thành viên trong đội tự chọn bộ trang phục truyền thống đẹp nhất và biểu diễn những tiết mục văn hóa của dân tộc mình để giới thiệu, quảng bá đến mọi người.
Xã Đà Vị được biết đến với nghề làm bún khô truyền thống của đồng bào Tày thôn Phai Khằn. Bún khô nơi đây khác với những nơi khác là sợi to, ăn dai và ngon. Nếu làm thủ công sẽ tốn nhiều công và năng suất không cao. Từ năm 2017, nhiều hộ dân ở các thôn trong xã đã mua máy móc để mở rộng sản xuất. Gia đình anh Hà Văn Trường, thôn Xá Thị nổi tiếng với thương hiệu Bún khô Đà Vị. Gia đình anh Trường mỗi ngày đều bán ra trên 1 tấn thành phẩm đi nhiều tỉnh thành phố.
Bao nhiêu năm nay bà Lục Thị Liên, dân tộc Tày, thôn Xá Thị vẫn bán bánh đúc ở chợ Đà Vị. Bà Liên cho biết, chợ Đà Vị họp vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17 và 27 Âm lịch hàng tháng. Đến phiên chợ, người từ Yên Hoa, Hồng Thái, Sinh Long, Khau Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú (Na Hang) và các xã lân cận của huyện Ba Bể (Bắc Kạn) sang giao lưu buôn bán. Từ khi hồ thủy điện được hình thành, Đà Vị trở thành chợ cá cung cấp cho thị trường. Vào phiên chợ, người vùng cao có thói quen đi ăn quà. Bánh đúc là món ăn mà người dân nơi đây rất ưa thích. Với bà sử dụng phương pháp truyền thống trong làm bánh vẫn được bà lưu giữ, bánh đúc phải mềm, dẻo, giòn giòn, cầm không hề dính tay, mịn, bóng.
Vào mùa cốm, khi những bông lúa uốn câu, những hạt lúa đã căng đầy sữa và đang đông đặc lại, đây chính là thời điểm lúa non thích hợp nhất để người làm cốm ra đồng gặt mang về làm cốm. Bên tiếng chày đều đều, chị Chu Thị Nhờ, một hộ làm cốm nổi tiếng của thôn Phai Khằn cho biết, lửa trong bếp lò lúc nào cũng phải đều. Phải khéo tay, cộng với những kinh nghiệm người phụ nữ ở Đà Vị mới đảo được những mẻ cốm vừa dẻo vừa mềm mại.
Toàn xã Đà Vị hiện có 3 dân tộc chiếm đa số gồm: Tày, Dao, Mông… Phát triển kinh tế luôn gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đó là phương châm của chính quyền xã Đà Vị trong những năm vừa qua. Năm 2019, xã còn phục dựng lại nghi lễ nhảy lửa của người Dao Đỏ thôn Bản Lục và biểu diễn phục vụ du khách, qua đó tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch, góp phần quảng bá nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết