Đây là lần đầu tiên có chương trình thời trang thổ cẩm được biểu diễn với không gian chính là chung quanh lòng hồ thác Pa Sỹ và rừng thông thơ mộng. Lần đầu tiên áo dài trên nền vải thổ cẩm xuất hiện tại thác Pa Sỹ, là sự kết hợp độc đáo của những kiệt tác thiên nhiên và con người.
Hơn 100 diễn viên không chuyên người dân tộc và 40 nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu đã diễn đạt câu chuyện thổ cẩm dệt bằng sợi tơ của Bảo Lộc giữa rừng núi đại ngàn Tây Nguyên, nơi được mệnh danh là "nàng thơ" của Kon Tum.
Những bộ sưu tập Áo dài và thời trang thổ cẩm được nghệ nhân Y Thoai dệt bằng sợi tơ Bảo Lộc được các nhà thiết kế Cao Minh Tiến, Trung Beret, Công Huân, Cao Duy, Nguyễn Thúy, Minh Hạnh... biến hóa huyền ảo trong 200 mẫu thiết kế sinh động và phù hợp khuynh hướng thời trang hiện nay.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông Đặng Quang Hà chia sẻ, Áo dài từ lâu đã là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên bộ sưu tập áo dài trên nền vải thổ cẩm của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh và 10 nhà thiết kế nổi tiếng trong nước chính thức hội tụ tại Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ tươi đẹp, hùng vĩ này sẽ khởi nguồn cho sự phát triển của thổ cẩm Tây Nguyên nói chung và thổ cẩm Kon Tum, Kon Plông nói riêng.
Chương trình biểu diễn Áo dài cùng với thời trang thổ cẩm Tây Nguyên hôm nay sẽ góp phần giữ gìn, tôn vinh và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát triển giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương.
Đây là một hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm hiện thực hóa quan điểm, nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào ngày 24/11/2021 cũng như hiện thực hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa trở thành nền tảng để phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, Chương trình biểu diễn áo dài cùng với thời trang thổ cẩm Tây Nguyên hôm nay sẽ góp phần giữ gìn, tôn vinh và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum và huyện Kon Plông, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát triển giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương”, đồng chí Đặng Quang Hà nhấn mạnh.
Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên năm 2022 tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum sẽ diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/10.
Gửi phản hồi
In bài viết