Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại Khoản 1 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 4 cho phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tiễn. Theo đại biểu, quy định như dự thảo Luật, tất cả các tài sản được liệt kê tại khi bán đều phải được thực hiện thông qua đấu giá và chịu sự điều chỉnh của Luật này.
Trong khi thực tế có nhiều tài sản được nhận làm tài sản bảo đảm không cần thiết phải qua thủ tục đấu giá khi xử lý như tiền, giấy tờ có giá… Bên cạnh đó, ngoài biện pháp đấu giá thì tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với bên bảo đảm nhiều biện pháp xử lý khác như tổ chức tín dụng nhận chính tài sản bảo đảm hoặc bán hoặc chuyển nhượng cho bên khác.
Đại biểu Âu Thị Mai tham gia phát biểu ý kiến thảo luận.
Tại Khoản 9 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 35, đề nghị xem xét, bổ sung thêm việc niêm yết việc đấu giá tài sản tại UBND cấp xã nơi có bất động sản đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Ban soạn thảo cũng cần xem xét sửa đổi quy định tại tại điểm b khoản 9 theo hướng tất cả các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai phải niêm yết trước ngày mở cuộc đấu giá ít nhất là 30 ngày.
Đối với khoản 10 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 36, đề nghị sửa quy định giao người có tài sản chủ trì và tổ chức hành nghề đấu giá phối hợp tổ chức cho người tham gia đấu giá xem tài sản đấu giá. Tại Khoản 16 Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 47, đại biểu cho rằng, để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung vào dự thảo luật quy định về “điều kiện đưa tài sản ra bán đấu giá” bởi Luật hiện hành chưa có quy định về nội dung này.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Theo đó, tại Điều 79 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, tuy nhiên quy định của Luật chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện việc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp ở địa phương khác đến tổ chức đấu giá tài sản tại tỉnh.
Do đó để đảm bảo thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện việc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp ở địa phương khác đến tổ chức đấu giá tài sản tại tỉnh, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa Điều 79 theo hướng bổ sung quy định các doanh nghiệp tổ chức đấu giá tài sản phải có trách nhiệm thông báo, báo cáo tình hình tổ chức cuộc đấu giá tài sản với Sở Tư pháp địa phương nơi có tài sản đấu giá.
Đối với đấu giá quyền sử dụng đất thì tổ chức hành nghề đấu giá phải đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp nơi có tài sản là quyền sử dụng đất; đồng thời, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện việc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp ở địa phương khác đến tổ chức đấu giá tài sản tại tỉnh.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi và Luật Đấu giá tài sản hiện hành có nhiều quy định mở cho phát triển doanh nghiệp đấu giá tài sản. Từ đó, dẫn đến các Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên phải hoạt động theo cơ chế cạnh tranh.
Tuy nhiên vì thiếu nguồn lực, bó buộc bởi cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công, hoạt động của các Trung tâm dịch vụ Đấu giá tài sản trực thuộc các Sở Tư pháp hiện tại và tương lai sẽ rất khó khăn, cần có sự điều chỉnh tổng thể đối với dự án Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành về các cơ chế, chính sách.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật nhằm có cơ chế đồng bộ đảm bảo cho hoạt động của các Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản để có thể tồn tại, ngoài việc duy trì việc làm cho đội ngũ viên chức còn giúp các địa phương xử lý hệ thống tài sản công theo đúng quy định.
Gửi phản hồi
In bài viết