Hướng về cơ sở
Ngay sau đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, hệ thống dân vận đã chủ động tham mưu với cấp ủy tăng cường và đổi mới công tác dân vận theo phương châm hướng mạnh về cơ sở. Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tính đến nay có 247 chi bộ, đảng bộ các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện được phân công phụ trách 122 xã. Kết quả, sau hơn 1 năm thực hiện, có hơn 1.200 lượt chi bộ, đảng bộ được phân công phụ trách xã tham gia hoạt động với nhân dân, với hơn 64.000 lượt cán bộ, đảng viên và gần 155 nghìn lượt người dân hưởng ứng tham gia hoạt động tại 888 lượt xã và hơn 1.900 lượt thôn, bản.
Từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh đã giúp trên 190 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sửa nhà, làm nhà mới; tham gia vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên trên 130 nhà văn hóa; trồng, chăm sóc tuyến đường hoa trên 212,8 km; làm đường bê tông, đắp hoàn mang đường bê tông trên 70,3 km; hỗ trợ xây dựng trên 40 lò đốt rác thải; hỗ trợ, thực hiện tuyến đường thắp sáng đường quê trên 124,1 km....
Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao đổi với đại diện tập thể, cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị Sơ kết Phong trào Thi đua dân vận khéo giai đoạn 2020 - 2022.
Đồng chí Bùi Trung Dũng, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, trường Chính trị tỉnh chia sẻ: “Tôi nhận thấy các hoạt động tại cơ sở là cơ hội giúp cho cán bộ, đoàn viên và người lao động nhà trường nắm bắt tình hình thực tiễn ở cơ sở. Đồng thời giúp bản thân tôi cảm nhận sự gần gũi, gắn bó với nhân dân là vô cùng thiết thực, cần thiết và ý nghĩa. Qua đó giúp tôi vận dụng kiến thức thực tế vào bài giảng giúp bài giảng lôi cuốn và thực tiễn hơn”.
Thi đua dân vận khéo
Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2022, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trọng tâm là vận động nhân dân hưởng ứng, đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm; các nghị quyết, đề án, chương trình của tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để đưa vào cuộc sống; thực hiện các giải pháp phòng, chống, dịch Covid-19...
Các mô hình “dân vận khéo” ở các địa phương đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm nâng cao đời sống cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và tái nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật như mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo của Ban Chấp hành Đoàn xã Xuân Lập (Lâm Bình), mô hình trồng giảo cổ lam, trồng rau an toàn của chị Ma Thị Phấn, thôn Nà Bản, xã Thượng Lâm (Lâm Bình), mô hình trồng cam, thanh long đạt tiểu chuẩn VietGap ở Yên Phú (Hàm Yên), mô hình làng nghề chè tại các xã Trung Yên, Minh Thanh, Tú Thịnh, Phúc Ứng, Hợp Thành, Tân Trào được tỉnh công nhận...
Toàn tỉnh hiện có 54/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu... Kết quả đó một phần là nhờ thực hiện dân vận khéo trong các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”... Nhờ làm tốt công tác dân vận mà từ năm 2020 đến nay người dân trên địa bàn toàn tỉnh đã tự nguyện hiến đất, kinh phí, ngày công làm được 423 km đường bê tông, làm 77 cầu bê tông nông thôn, 247 km kênh mương nội đồng...
Tiêu biểu như năm 2020, xã Trung Sơn đã vận động 9 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số hiến trên 4.500 m2 để làm tuyến đường liên xã từ thôn Làng Phát, xã Kim Quan nối thôn Làng Chạp - xã Trung Sơn. Trong đó, 2 gia đình anh Giàng Seo Páo, thôn Làng Chạp; anh Dương Văn Páo, thôn Lâm Sơn có đất sản xuất tại Làng Chạp hiến đất làm đường với diện tích trên 1.000 m2/hộ. Ông Giàng Seo Páo chia sẻ: “Tôi được cán bộ thôn, cán bộ xã nhiệt tình vận động, tôi hiểu giá trị của tuyến đường mang lại nên đã hiến đất làm đường. Quá trình thi công tuyến đường, tôi được thực hiện quyền làm chủ khi giám sát chất lượng công trình”.
Trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương, cụ thể hóa các nội dung thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nội dung về công tác dân vận... Đồng thời, thực hiện phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Bên cạnh đó, tích cực tham mưu đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị...
Gửi phản hồi
In bài viết