“Vũ khí” tự phê bình và phê bình

- Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân - vết tích xấu xa của xã hội cũ là kẻ địch “nội xâm”; là thứ vi trùng mẹ “rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc.

Cụ thể, theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ”, “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn”, “cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”, nên khi tiến hành vừa “phải kiên quyết, ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt” vừa “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Tình trạng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý” vì sợ mất lòng, “mất phiếu”, ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân cũng như tâm lý sợ bị phê bình nên phải phê bình người khác nhưng phê bình chiếu lệ, một chiều, mang tính hình thức - thực chất là nói để lấy lòng nhau vẫn còn. Vì thế, để “vũ khí” tự phê bình và phê bình sắc bén trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, thì:

Một là, duy trì và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, hiệu quả “tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến cơ sở” gắn với nhiệm vụ chính trị, với sinh hoạt Đảng. Việc chuẩn bị tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức vừa phải có sự chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy cấp trên, với phương châm “trị bệnh cứu người”, “thuốc đắng dã tật”, vừa phải được tiến hành chu đáo, nghiêm túc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; phải gắn liền với việc thực hiện các nghị quyết và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, với các chỉ thị và kết luận của Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... để làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, thật sự trở thành vũ khí sắc bén của toàn Đảng, làm cho tự phê bình và phê bình thật sự là một quy luật phát triển của Đảng, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng. 

Hai là, vì tự phê bình và phê bình là quá trình tự soi, tự sửa, tự cứu mình và giúp người, vì sự tiến bộ của mỗi cá nhân và sự phát triển vững mạnh của tổ chức, nên “các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa.

Phải như thế Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”, chứ không chờ “có việc” mới tiến hành, có khuyết điểm mới phạt... Phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức và phát huy dân chủ; đề cao tính tự giác, trách nhiệm, thái độ, phương pháp tự phê bình và phê bình đúng đắn, phù hợp để “vũ khí” này trở thành động lực cho mọi sự phát triển, tạo được sự biến đổi về chất trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức Đảng, nhân nguồn sức mạnh nội sinh trong từng cá nhân, trong từng tổ chức lên như cây nảy lộc, đơm hoa, kết trái.

Ba là, gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng vừa cẩn trọng vừa kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Đồng thời, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu trong tự phê bình và phê bình theo nguyên tắc tiến hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ cấp ủy, người đứng đầu đến cán bộ, đảng viên.

Cấp trên gương mẫu tự kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp ủy viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Trong kiểm điểm, cấp dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên; tổ chức cơ sở đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng, để nguyên tắc tự phê bình và phê bình không chỉ bảo đảm chất lượng, hiệu quả mà còn góp phần làm tăng uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi tổ chức.

Hoàng Bách (Theo Báo QĐND)

Tin cùng chuyên mục